Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thanh toán tiền điện cho Công ty Trung Nam khi huy động nguồn điện mặt trời tại dự án ở Ninh Thuận là do chưa đầy đủ các giấy phép về hoạt động điện lực.
Mới đây, Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam - chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam và đường dây truyền tải 500kV Thuận Nam - đã có đơn cầu cứu khẩn cấp gửi tới Chính phủ.
Lý do là công ty này đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng doanh thu từ nguồn phát điện khi EVN là đơn vị mua điện đã chậm thanh toán phần sản lượng điện đã được Trung Nam phát lên lưới và ghi nhận vào hệ thống điện.
Công ty Trung Nam cho biết, đến nay sản lượng phát lên lưới của phần công suất 172 MW từ 1.10.2020 đến ngày 31.8.2022 (khoảng 687 triệu kWh) chưa được EVN thanh toán.
Chủ đầu tư cũng đã nhiều lần đề nghị tạm thanh toán với đơn giá chỉ bằng 40% mức giá khung đối với các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp để hỗ trợ giải quyết khó khăn về tài chính, tuy nhiên vẫn chưa được xem xét giải quyết.
Tháo gỡ những khó khăn trong việc dừng huy động 172,12MW điện mặt trời của Trung Nam. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Tháo gỡ những khó khăn trong thanh toán điện mặt trời của Trung Nam. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Phản hồi về thông tin trên của Trung Nam, đại diện EVN cho biết, trong thời gian qua, EVN đã nỗ lực huy động cơ bản công suất của nhà máy điện mặt trời lên lưới và đã thanh toán phần sản lượng, công suất theo giấy phép của Trung Nam và đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Đồng thời ghi nhận sản lượng của phần công suất thừa theo quy định cho đến khi có quy định cụ thể.
"Đối với phần sản lượng, công suất đủ quy định của pháp lý, EVN đã thanh toán đầy đủ. Phần sản lượng/công suất chuyển tiếp, EVN cũng đang thanh toán theo đúng khung giá tạm đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do Bộ Công Thương phê duyệt", đại diện EVN khẳng định.
Đối với trạm biến áp và đường dây 500kV, đến thời điểm hiện tại, vẫn thuộc quyền sở hữu tài sản của Trung Nam. Trước đây, Trung Nam đã có đề xuất bàn giao 0 đồng cho EVN song vẫn còn vướng mắc về thủ tục pháp lý và đang trong quá trình triển khai theo hướng dẫn.
Trạm biến áp 500 kV, đến nay chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nghiệm thu công trình. Còn về việc tiếp nhận, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02 về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN, các bộ, ngành liên quan đang triển khai. Được biết trong tháng 4.2024, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm thực hiện các quy định liên quan đến việc bàn giao.
EVN cũng đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những khó khăn của Trung Nam.
Do đó, khi dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì EVN chỉ ghi nhận sản lượng mà không thể thanh toán là đúng. Vì EVN là doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nên không thể tự mình quyết định.
Đối với việc truyền tải điện cho các nhà máy điện khác trong khu vực, Trung Nam có quyền thu phí truyền tải của đối tác để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng. Khi tài sản thuộc Trung Nam quản lý vận hành thì đơn vị phải chịu trách nhiệm, EVN không thể can thiệp.
Do đó, Trung Nam cần phải hoàn thiện các phần việc của mình theo đúng quy định của pháp luật trước khi "kêu cứu" Thủ tướng.
CƯỜNG NGÔ