Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng là một trong những hướng đi được ngành ngân hàng ưu tiên, bởi đẩy mạnh cầu tiêu dùng mới kéo theo cầu sản xuất. Đồng thời, việc cho vay khách hàng cá nhân cũng giúp ngân hàng phân tán rủi ro tín dụng.
Từ ngày 1/7/2024, các khoản vay nhỏ lẻ sẽ không phải chứng minh mục đích sử dụng vốn. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng quy định này sẽ tạo ra nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề với ngành ngân hàng là cần có các giải pháp gì để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân?
Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ... Các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao?
Lãi suất cho vay hiện nay đang ở mức thấp, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều gói ưu đãi để kích cầu người dân mạnh dạn vay vốn.
Từ ngày 1/7/2024, các khoản vay nhỏ lẻ là khoản vay không vượt quá 100 triệu đồng sẽ không phải chứng minh mục đích sử dụng vốn.
Các chuyên gia cũng nhận định, nếu muốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trước hết phải thúc đẩy cho vay tiêu dùng. Trong thực tế, tín dụng cho vay tiêu dùng của Việt Nam chiếm khoảng 21% tổng dư nợ của nền kinh tế, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ này còn rất khiêm tốn.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, cho biết NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực, mạnh dạn, chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn để tiếp tục khắc phục các khó khăn hiện tại cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN cũng chỉ đạo ngân hàng thương mại quan tâm đối với tín dụng tiêu dùng. Đây là lĩnh vực càng đẩy mạnh được sẽ càng tạo điều kiện thúc đẩy tăng khả năng tiêu dùng. Và đẩy mạnh cầu tiêu dùng mới kéo theo cầu sản xuất được.
Cũng theo ông Tú, NHNN sẽ xem xét chỉnh sửa về mặt quy chế, cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các công ty tài chính cho vay hiệu quả hơn đối với lĩnh vực này. "Như vậy, không chỉ đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng mà còn góp phần hạn chế tín dụng đen. Đây là một trong những chủ trương, nhiệm vụ mà NHNN đặt ra ngay từ đầu năm nay", Phó thống đốc nhấn mạnh.
Không chỉ cần ngân hàng vào cuộc
Luật các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính. Cụ thể, 4 khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ bao gồm: Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân; Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.
Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn, NHNN kiến nghị khoản vay có giá trị nhỏ là khoản vay không vượt quá 100 triệu đồng. Với những khoản vay trên, khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi và thông tin về người có liên quan.
Thay vào đó, Thông tư quy định, các tổ chức tín dụng có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận, việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Quy định này được kỳ vọng sẽ kích thích mạnh mẽ hoạt động cho vay bán lẻ - đặc biệt là các khoản vay nhỏ lẻ của các ngân hàng, công ty tài chính.
Lãnh đạo các ngân hàng đánh giá quy định này phù hợp với đặc thù các khoản cho vay nhỏ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với thủ tục đơn giản hơn, góp phần mở rộng hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó hạn chế “tín dụng đen”. Với các ngân hàng có hàng trăm ngàn khoản vay nhỏ lẻ, quy định này cũng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nhu cầu tiêu dùng khó tăng đột biến nếu chỉ phụ thuộc vào ngân hàng, bởi mảng cho vay mua nhà hiện nay không nhiều khả quan. Cụ thể, theo các chuyên gia, dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm tới 3-5% so với đầu năm 2023, dư nợ cho vay mua nhà vẫn sẽ khó hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024 do giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022-2023; nguồn cung về nhà giảm so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Và quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành. Do đó, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, cần có sự thay đổi về pháp lý và hỗ trợ từ các chính sách để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Huyền Anh