Tại các thị trường chứng khoán phát triển, đa số người dân đầu tư vào các quỹ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tham gia đầu tư vào các quỹ còn hạn chế, đa số là nhà đầu tư cá nhân tự giao dịch, dù rằng nhìn chung các quỹ thường có lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index.
Theo thống kê, nhiều quỹ đầu tư bao gồm cả quỹ chủ động và quỹ ETF có hiệu suất vượt trội hơn VN-Index, nằm trong top dẫn đầu thị trường và duy trì qua nhiều năm.
Hiệu suất khá tốt
Cụ thể, trong số gần 20 quỹ mở cổ phiếu đang hoạt động trên thị trường, chỉ có 3 quỹ có lợi nhuận năm 2023 thấp hơn mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index, còn lại đều có lợi nhuận tương đương, hoặc vượt trội so với chỉ số chung.
Chẳng hạn, năm 2023, nhà đầu tư lựa chọn Quỹ ETF DCVFMVN Midcap sẽ có được hơn 30% lợi nhuận (gấp gần 3 lần chỉ số toàn thị trường VN-Index); từ đầu năm 2024 tới nay, nhà đầu tư lựa chọn Quỹ ETF DCVFMVN Diamond sẽ có được hơn 18% lợi nhuận (cao hơn 5% so với VN-Index).
Nhìn chung các quỹ thường có lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index.
Nhìn chung, năm 2023, các khó khăn của ngành quản lý quỹ dần dần được tháo gỡ, nhờ đó nhiều quỹ mở đã ghi nhận hiệu quả kinh doanh tăng trưởng cao hơn so với bình quân thị trường nhờ sự nhạy bén trong việc nắm bắt thời cơ tăng trưởng và khả năng quản trị rủi ro danh mục. Trong khi chỉ số VN-Index kết năm 2023 tăng trưởng ở mức 12%, thì một số quỹ mở đã ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn đáng kể, thậm chí một số quỹ mở còn có mức tỷ suất sinh lời đạt trên 30%.
Theo thông tin từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), số lượng các quỹ tham gia cũng như tần suất giao dịch trong năm 2023 đều ghi nhận tăng lên, đặc biệt là quỹ mở.
Thực tế, các quỹ mở đang cho thấy sự linh hoạt trong các quyết định đầu tư, những giai đoạn hay bối cảnh khác nhau của nền kinh tế sẽ có những chủ đề đầu tư phù hợp. Với việc duy trì một danh mục đa dạng giúp giảm thiểu rủi ro khi thị trường giảm và hưởng lợi khi thị trường hồi phục.
Ở Việt Nam, sự tham gia nổi trội của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán chiếm đến 80 - 90% giá trị giao dịch hàng ngày, cho thấy nhu cầu đầu tư tài chính từ nhà đầu tư trong nước là rất lớn.
Tuy nhiên, ngành quản lý quỹ đang có 2 con số khiêm tốn: Số lượng tài khoản chứng chỉ quỹ khoảng hơn 1 triệu, tương ứng 1% dân số và tổng giá trị tài sản của các quỹ nội địa là 2,7 tỷ USD, dưới 1% GDP - con số này rất nhỏ so với các quốc gia trong khu vực tại thời điểm có mức thu nhập tương tự, ví dụ Thái Lan là 20%, Trung Quốc 10%... Điều này cho thấy các quỹ đầu tư vẫn chưa thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư cá nhân, trái ngược hoàn toàn với phương thức đầu tư của đa số người dân tại các thị trường phát triển.
Nguyên nhân do đâu?
Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Và thứ nhất là tâm lý sợ lỗ do thị trường biến động.
Thứ hai là tâm lý muốn nhân tài khoản lên vài lần trong thời gian ngắn, hay là mua đáy, bán đỉnh.
Thứ ba là ngành quản lý quỹ còn mới, kiến thức nhà đầu tư còn chưa nhiều, cảm giác thiếu tin tưởng khi đầu tư vào quỹ.
Thứ tư là hệ thống đại lý phân phối chưa phát triển, các ngân hàng chưa được phân phối chứng chỉ quỹ mà chỉ giới thiệu, trong khi ngân hàng là kênh phân phối chính của loại hình này. Còn các công ty chứng khoán cũng bỏ ngỏ mảng phân phối chứng chỉ quỹ, mà chỉ tập trung vào môi giới khuyến khích nhà đầu tư giao dịch.
Dưới góc nhìn của ông Lu Hui Hung, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM), lý do thứ nhất có thể là do nhà đầu tư chưa cập nhật đầy đủ thông tin về ngành quỹ.
Lý do thứ hai là do tâm lý và hành vi, vì nhà đầu tư nhỏ lẻ đang bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, định kiến và sở thích khi đưa ra quyết định đầu tư.
Lý do thứ ba cũng có thể bắt nguồn từ phía các quỹ, nhiều quỹ có mục tiêu tập trung vào khách hàng có giá trị tài sản ròng cao, nên nhà đầu tư lẻ chưa tiếp cận được.
Nhìn chung có rất nhiều yếu tố lý giải cho việc hầu hết nhà đầu tư cá nhân Việt Nam chưa “mặn mà” trong lựa chọn đầu tư vào loại hình quỹ mặc dù quỹ mở mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng tự mình quản lý nhưng thực tế không phải ai cũng có kỹ năng tự quản lý và đầu tư tiền của chính mình một cách tối ưu.
"Để đầu tư, bạn có thể chọn tự làm hay thông qua quỹ đầu tư, cũng giống như bạn tự di chuyển bằng phương tiện của mình hay lên một phương tiện được vận hành chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cần trang bị đầy đủ kiến thức và từ đó chọn cho mình kênh đầu tư đúng và tối ưu hóa kết quả đầu tư", một chuyên gia lưu ý.
Thị trường hiện có 55 quỹ mở được phân loại theo mục tiêu đầu tư và chiến lược đầu tư khác nhau, bao gồm quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu, quỹ hỗn hợp gồm cả cổ phiếu và trái phiếu. Nhà đầu tư có thể lựa chọn theo mục tiêu đầu tư của mình. Cần cân nhắc yếu tố uy tín, chuyên nghiệp, kinh nghiệm, quy mô tài sản quản lý và xem xét lịch sử hiệu quả đầu tư để lựa chọn nơi giao tài sản.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, ở Việt Nam, quy mô quỹ thị trường tiền tệ gần như không đáng kể do quỹ không có công cụ đầu tư phù hợp. Trong khi đó trên thế giới, quỹ thị trường tiền tệ chiếm tới gần 15% tổng tài sản của các quỹ mở, cá biệt ở Trung Quốc chiếm tới gần 48% tổng tài sản các quỹ.
Do đó, theo các chuyên gia, để ngành quỹ có thể phát triển tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế, giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định, trở thành nguồn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp có chất lượng cao phát triển, cũng như là công cụ quan trọng trong xây dựng thịnh vượng tài chính cho cá nhân, rất cần sự chung tay của tất cả các chủ thể tham gia chuỗi giá trị của ngành bao gồm Chính phủ, các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và đặc biệt là nhận thức của công chúng đầu tư.
Chuyên gia của VCBF cho rằng Chính phủ có thể đặt ra các mục tiêu cụ thể hơn, đồng thời có các quy định cởi mở hơn để phát triển ngành quỹ. Bên cạnh đó, công ty quản lý quỹ cũng cần có những chuyên gia thực sự chất lượng, am hiểu về quản lý quỹ, có tư duy đầu tư dài hạn và đầu tư vì lợi ích dài hạn của khách hàng. Còn về phía công chúng đầu tư thì cần thay đổi nhận thức rõ hơn về quỹ đầu tư là một công cụ để tích sản, và đầu tư với lợi nhuận cao so với gửi tiết kiệm.
“Với các yếu tố như vậy sẽ thúc đẩy sự phát triển ngành quỹ trong tương lai”, chuyên gia VCBF nói.
Hải Giang