• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,74 -3,30/-0,26%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:35:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,74   -3,30/-0,26%  |   HNX-INDEX   225,39   -0,82/-0,36%  |   UPCOM-INDEX   92,24   -0,11/-0,12%  |   VN30   1.298,20   -5,84/-0,45%  |   HNX30   482,23   -2,42/-0,50%
14 Tháng Mười Một 2024 11:41:27 SA - Mở cửa
Xu hướng uptrend bền vững của thị trường đang dần được củng cố
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 02/04/2024 8:32:04 SA

Chính sách vĩ mô, định giá và dòng tiền là 3 đại lượng cốt lõi cấu thành nên xu hướng thị trường đang ghi nhận sự đồng thuận rất cao. Nhờ đó, sự bền vững xu hướng tăng (uptrend) của VN-Index đang dần được củng cố thêm.

Kết thúc quý I/2024, VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 150 điểm, tương đương 13,64%. Trong đó, tuần giao dịch cuối tháng 3 (25-29/3), chỉ số đã kiểm tra thành công vùng đỉnh ngắn hạn vừa vượt qua trước đó tại 1.250 - 1.265 điểm và tiếp tục duy trì xu hướng tăng dù rằng nguy cơ cao điều chỉnh vẫn có thể xảy ra.

Yếu tố củng cố đà tăng

Theo giới phân tích, xu hướng thị trường chứng khoán (TTCK) được cấu thành bởi 3 đại lượng cốt lõi: Chính sách vĩ mô, định giá và dòng tiền, đang có sự đồng thuận rất cao.

Về vĩ mô thế giới, những lo ngại về nền kinh tế số 1 thế giới rơi vào suy thoái đã bị đánh tan khi các số liệu kinh tế Mỹ cho thấy sự vững vàng, ổn định. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra đợt giảm lãi suất đầu tiên trong năm vào tháng 6.

Sự bền vững xu hướng tăng của VN-Index đang dần được củng cố thêm. 

Trong nước, vĩ mô đang thể hiện bức tranh ổn định, dù có gặp một vài vấn đề trong việc điều tiết tỷ giá, nhưng sắp tới đây, khi chỉ số đồng USD (DXY) sẽ có xu hướng giảm dần sẽ không còn gây áp lực lên tiền đồng.

Hơn nữa, trong báo cáo kinh tế quý I/2024 cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 5 năm, khả năng cả năm đạt mức tăng 6,5% là khả thi. Chính sách xuyên suốt hiện nay của Ngân hàng Nhà nước là giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, đảm bảo thanh khoản hệ thống dồi dào và không để gia tăng nợ xấu.

“Nhìn vào diễn biến kinh tế vĩ mô thời gian qua và dự báo giai đoạn tới thì áp lực tỷ giá sẽ không quá lớn về mặt trung và dài hạn do trạng thái xuất siêu vẫn duy trì trong thời gian dài”, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, thuộc Học viện Tài chính nhìn nhận.

Về mặt định giá, hiện P/E chung của thị trường đang ở mức 14, mức không quá cao, nhất là nếu giả định tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm nay đạt 18%-22%, thì chỉ số này chỉ còn ở mức 11, rất hấp dẫn.

Còn về yếu tố dòng tiền – yếu tố luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho TTCK non trẻ như Việt Nam, đang thể hiện sự nhập cuộc mạnh mẽ, nhất là trong những phiên rung lắc, sẵn sàng hấp thụ hết lượng cung hàng chốt lời.

Minh chứng rõ nét nhất là trong tháng 3/2024, giá trị khớp lệnh trung bình đạt trên 24.000 tỷ đồng/phiên. Đây là con số kỷ lục theo tháng trong vòng 2 năm qua. Và với sự tham gia mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân, áp lực bán ròng kỷ lục của khối ngoại lên đến hơn 5.000 tỷ đồng trong tuần giao dịch cuối tháng 3 đã được bù đắp.

Ngoài ra, sự bền vững của uptrend còn được củng cố bởi thị trường hay xuất hiện các nhịp điều chỉnh ngắn, giúp cho giá không bị tăng quá nóng.

“Sự luân chuyển của dòng tiền không bỏ qua bất cứ ngành nghề nào càng làm tăng niềm tin cho thị trường”, TS. Nguyễn Hồng Điệp, Founder Công ty cổ phần VICK phân tích.

"Tâm điểm" - cổ phiếu ngân hàng

Về cơ bản, trong uptrend, dòng tiền sẽ xoay tua giữa các nhóm ngành, cho nên nếu chu kỳ đủ dài, hầu hết các nhóm ngành sẽ có mức tăng tương đồng với VN-Index. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhóm ngân hàng sẽ đóng vai trò là nhóm trụ cột thu hút dòng tiền lớn nhất và có mức tăng trưởng tương đối tích cực, dẫn dắt thị trường chung trong năm 2024.

SSI Research ước tính, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4%. Đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023. Biên lãi ròng (NIM) được dự báo sẽ phục hồi 9 điểm cơ bản lên mức 3,75%. Lãi suất huy động bình quân trong năm 2024 dự kiến sẽ không có chênh lệch quá lớn so với mức hiện tại. Theo đó, chi phí vốn dự kiến thấp hơn (giảm 113 điểm cơ bản so với cùng kỳ), tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện và các khoản vay mới có thời hạn dài hơn sẽ giúp giảm bớt áp lực về NIM cho các tổ chức tín dụng trong năm 2024.

Trong chia sẻ mới đây, ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment đánh giá các chính sách hiện tại đang kích thích mạnh và là điều kiện tốt để chứng khoán phát triển. TTCK không phải năm nay mới tăng mà đã tăng từ năm ngoái.

"Ngành hưởng lợi lớn nhất có thể dẫn dắt thị trường là ngân hàng. Định giá của ngành này đang ở mức thấp và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Thứ hai là việc lãi suất huy động hạ xuống thì NIM của ngân hàng tăng lên. Thứ ba là kết quả kinh doanh của ngân hàng cũng đang khá tốt", CEO Passion Investment nêu quan điểm.

Tương tự, ông Petri Deryng, người đứng đầu Pyn Elite Fund – quỹ ngoại Phần Lan có quy mô gần 800 triệu EUR cho rằng ngành ngân hàng có thể đóng vai trò lớn trong việc đưa TTCK Việt Nam lên đỉnh cao mới trong năm nay.

“5 năm qua, cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá, nhưng tăng trưởng kết quả kinh doanh còn mạnh hơn. Giá cả của cổ phiếu ngành ngân hàng so với triển vọng kết quả kinh doanh hiện tại rất hợp lý", người đứng đầu Pyn Elite Fund nhấn mạnh.

Theo tính toán của Pyn Elite Fund, tỷ lệ P/E trôi nổi của nhóm ngân hàng hiện là 7,6 và tỷ lệ P/E dự kiến cho năm 2024 là 6,2; năm 2025 là 5,1; năm 2026 là 4,2 lần. Trong khi đó, tỷ lệ P/B trôi nổi của các cổ phiếu ngân hàng hiện là 1,3. Pyn Elite Fund dự báo tỷ lệ P/B cho năm 2024 là 1,1; năm 2025 là 0,9 và năm 2026 là 0,7 lần.

Định giá thấp được đánh giá là "bộ đệm" giúp cổ phiếu ngân hàng giảm bớt mức độ khốc liệt trong các nhịp điều chỉnh. Đồng thời, đây cũng là một trong những yếu tố góp phần thu hút thêm dòng tiền mới nhập cuộc.

“Tốc độ tăng trưởng cao của lợi nhuận và vốn chủ sở hữu tại một số ngân hàng sẽ giúp hệ số P/B dự phòng duy trì ở mức hấp dẫn”, theo Chứng khoán Vietcombank.

Hải Giang