Chủ tịch HoREA mong muốn doanh nghiệp bất động sản rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, nhớ đời để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5, tháng 6 tới đây, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc áp dụng sớm 6 tháng kể từ ngày 1/7 đối với Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Đồng thời, Quốc hội dự kiến xem xét 2 dự thảo Nghị quyết khác liên quan tới thị trường bất động sản.
Doanh nghiệp bất động sản cần rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá trong thời gian qua. (Ảnh: ST)
Để bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho phép áp dụng sớm 3 bộ luật nêu trên, các Bộ, ngành đang nỗ lực hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành hơn 20 Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật liên quan để cùng có hiệu lực thi hành đồng bộ với các Luật.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng, việc sớm thi hành các Luật quan trọng là cần thiết nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục.
Theo ông Châu, thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn rất khó khăn. Trong đó, giai đoạn khó khăn nhất rơi vào quý I/2023, với mức tăng trưởng âm lên tới 16,2%. Mặc dù từ quý II/2023 trở đi thị trường có dấu hiệu hồi phục, song vẫn chưa lấy lại được phong độ.
“Hiện nay, thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và dự báo sẽ phục hồi rõ nét vào cuối năm 2024 và trở lại bình thường vào khoảng vào năm 2025 trở đi. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình hồi phục, thì việc áp dụng sớm các quy định mới là cần thiết”, ông Châu nhận định.
Chủ tịch HoREA đưa ra 2 kịch bản có thể xảy ra tác động đến thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2024.
Trường hợp đầu tiên, nếu Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ, đồng thời, Chính phủ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật liên quan thì sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản.
“Hiện có khoảng 148 dự án bất động sản trên địa bàn TP HCM đang gặp vướng mắc pháp lý liên quan tới 3 bộ luật này. Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản đang chờ đợi từng ngày những tháo gỡ đó được giải quyết. Nếu được Quộc hội thông qua, đây sẽ là yếu tố thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi”, ông Châu cho biết.
Trường hợp thứ hai, nếu Quốc hội không cho phép áp dụng sớm sẽ có tác động làm chậm tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản, chậm thêm khoảng 6 tháng.
Ông Châu đánh giá: Tình hình thị trường bất động sản bị khủng hoảng bong bóng, đóng băng, suy thoái, khó khăn trong các năm qua làm cho nhiều doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư gặp khó khăn, bị thiệt hại, thua lỗ rất lớn, thậm chí có một số doanh nghiệp bị phá sản.
Nhưng xét về mặt chủ quan thì có phần trách nhiệm của không ít doanh nghiệp bất động sản và cả một bộ phận của lực lượng môi giới, nhà đầu tư lướt sóng, đầu nậu, không phải vô can.
Do vậy, ông Châu cho rằng, bên cạnh việc thi hành sớm các quy định, các doanh nghiệp bất động sản cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với tình hình diễn biến, biến động của thị trường bất động sản trong thời gian qua, nhất là trong việc chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật và những mặt yếu kém trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp, nhất là quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh, huy động, sử dụng vốn.
“Tôi mong doanh nghiệp rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, nhớ đời để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, ông Châu nhấn mạnh.
Định Trần-Link gốc