• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 6:22:57 SA - Mở cửa
Vì sao cải thiện đơn hàng mới nhưng doanh nghiệp sản xuất vẫn lo âu?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 03/05/2024 9:03:10 SA

Nhìn vào tình hình cải thiện đơn hàng mới ở ngành gỗ và dệt may trong 4 tháng đầu năm 2024 là rất đáng khích lệ, nhưng có những vấn đề nội tại đã và đang phát sinh. Đây cũng là lưu tâm chung cho các doanh nghiệp sản xuất để không phải phập phồng lo lắng dù cho đơn hàng mới đang cải thiện, nhất là chủ động lường trước rủi ro, luôn ở tâm thế sẵn sàng, phải chuẩn bị các nguồn lực một cách đầy đủ và hiệu quả.

Đơn hàng mới tại nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ gỗ trong 4 tháng đầu năm nay được cho đã phục hồi tới 80 - 90%. Không những vậy, một số DN đã có đơn hàng đến giữa năm 2024. Riêng hồi quý 1/2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề nội tại đã và đang phát sinh khiến cho các DN ngành gỗ vẫn phập phồng dù đơn hàng đang cải thiện.

Lường trước các tình huống rủi ro

Đơn cử như sự cố nổ lò hơi làm chết 6 công nhân và nhiều người bị thương xảy ra ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gỗ Bình Minh Việt Nam (trụ sở tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Công ty này (hoạt động trong lĩnh vực gia công, chế biến đồ gỗ gia đình) hiện có hơn 200 lao động. Để bảo đảm đơn hàng, vào ngày Quốc tế lao động 1/5 vừa qua nhiều lao động vẫn đi làm và xảy ra sự cố. Điều đó không chỉ gây mất mát về lao động mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến độ đơn hàng của công ty.

Các DN sản xuất ở Việt Nam cần chuẩn bị đủ nguồn lực khi đơn hàng mới đang quay trở lại.

Hay như CTCP tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 cho thấy biên lợi nhuận đã thu hẹp từ 21,7% trong quý I/2023 còn 13% trong kỳ này. Nguyên nhân là do giá vốn hàng hóa tăng 22 tỷ đồng, lên mức 281 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 8,5% so với cùng kỳ năm rồi. Tính đến hết quý 1/2024, TTF lỗ lũy kế 3.235 tỷ đồng.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 diễn ra vào cuối tháng 4/2024, TTF đã đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.012 tỷ đồng và lãi sau thuế là 57 tỷ đồng. Trong báo cáo thường niên của công ty này có lưu ý về các rủi ro như rủi ro về kinh tế, pháp lý, tỷ giá, lãi suất, rủi ro giá nguyên liệu, môi trường, cạnh tranh…

Chẳng hạn như với rủi ro về tỷ giá, theo TTF, nếu công ty nhập khẩu nguyên liệu hoặc sản phẩm từ các quốc gia khác, biến động trong tỷ giá hối đoái có thể tăng chi phí và ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Hoặc như rủi ro giá nguyên liệu. Phía TTF cho rằng nguồn gỗ nguyên liệu được sử dụng để sản xuất chế biến bao gồm cả gỗ nhập khẩu và gỗ khai thác trong nước. Tuy nhiên, ngành gỗ Việt đang gặp khó khi Cơ quan đại diện thương mại của Mỹ cáo buộc ngành gỗ Việt sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào nước này. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu gỗ vào Mỹ vẫn tiềm ẩn rủi ro. Nhất là trước những vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) vẫn còn nhiều, yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp. 

Nên nhắc thêm, trong tháng 4/2024, Cục Phòng vệ thương mại của Việt Nam đã nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế PVTM đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. 

Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 14/6/2024. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, DOC cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 28/6 và ngày 26/9/2024.

Phải chuẩn bị đủ nguồn lực

Không chỉ với ngành gỗ, đơn hàng của các DN sản xuất dệt may cũng đang dần có sự cải thiện trong 4 tháng đầu năm nay. Nhiều DN đã đã ký được đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí một số DN đã có đơn hàng đến quý 3/2024.

Thế nhưng các DN dệt may vẫn chưa thể yên tâm khi mà đơn giá chưa phục hồi nhiều, do thế giới đang có nhiều biến động, người tiêu dùng tại các thị trường lớn vẫn còn thắt chặt chi tiêu, đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon)... 

Không chỉ vậy, như chia sẻ của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM (Agtek), đa phần các đơn hàng của DN dệt may ở Tp.HCM là đơn hàng nhỏ chứ không phải là đơn hàng lớn. Tức là những đơn hàng có số lượng hàng nghìn hoặc hàng trăm sản phẩm thay vì hàng chục ngàn sản phẩm như trước đây.

Trao đổi với VnBusiness, ông Hồng nhận định thị trường tiêu thụ mặt hàng may mặc trên thế giới vẫn chưa thật sự ổn định. Trong khi đó, việc thiếu hụt lao động cũng là một vấn đề khó khăn mà các DN dệt may đang phải đối mặt. Tức là trước dịp Tết 2024, nhiều lao động trong ngành dệt may đã nghỉ do thiếu việc làm vì không có đơn hàng, và khi đơn hàng phục hồi trở lại như hiện tại, phần lớn các DN thu hút lao động trở lại nhưng lại gặp khó vì lao động về quê nhưng băn khoăn chuyện trở lại.

Thực tế cho thấy với những DN ngành gỗ và dệt may đang phục hồi đơn hàng thì một trong những điều làm cho họ đau đầu là lo thiếu hụt lao động vốn bị tổn thương nặng do thiếu đơn hàng như hồi năm rồi. Nhất là thiếu các lao động có tay nghề cao. Như ngành may mặc đang thiếu khoảng 500.000 lao động, trong đó thiếu nhiều nhất là lao động có tay nghề cao, như kỹ sư, quản lý, chuyên gia thiết kế, kiểm tra chất lượng…

Đây cũng là vấn đề của các DN sản xuất ở những lĩnh vực khác dù cho đơn hàng đang dần cải thiện. Chính vì thế, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá rằng tính chất lên xuống thất thường của số lượng đơn đặt hàng mới gần đây khiến các công ty lo lắng về tương lai. Một số dấu hiệu cho thấy mức độ tăng trở lại có lẽ đã làm các DN bất ngờ vì họ đã quyết định cho công nhân nghỉ việc sau thời gian nhu cầu sản xuất giảm.

Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) mới nhất trong tháng 4/2024 của S&P Global được công bố vào ngày 2/5 cho thấy đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm (ở mức 50,3 điểm) với số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh đã giúp ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, như lưu ý của S&P Global, trong thời điểm số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, việc giảm số lượng nhân viên khiến các công ty khó hoàn thành kịp thời các đơn hàng.

Chung quy lại, để không phải phập phồng lo lắng dù cho đơn hàng mới đang trở lại thì điều kiện cần cho các DN sản xuất của Việt Nam là phải chuẩn bị các nguồn lực một cách đầy đủ và hiệu quả. Đặc biệt là họ nên ở tâm thế chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận đơn hàng mới và chủ động lường trước các tình huống rủi ro, để không phải bỏ lỡ các cơ hội về xuất khẩu đến với DN của mình vào thời điểm còn đầy thách thức như hiện tại.

Thế Vinh

Link gốc