Việc đồng nội tệ mất giá so với USD đang gây lo ngại đối với những quốc gia có mức độ vay nợ nhiều ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặt những nước này trước nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
“Tình trạng dễ tổn thương về nợ vẫn còn nghiêm trọng ở một số quốc gia thu nhập trung bình và thu nhập thấp”, tờ báo Nikkei Asia dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Sunichi Suzuli phát biểu tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra vào cuối tuần vừa rồi ở thủ đô Tbilisi của Georgia.
Trước đó vào hôm thứ Sáu, ông Suzuki đã có cuộc thảo luận về bền vững nợ với bộ trưởng bộ tài chính đến từ các đảo quốc Thái Bình Dương. Cùng ngày, ADB nhất trí với các nhà tài trợ về cấp vốn để hỗ trợ các dự án tại các quốc gia thành viên, như xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác chống biến đổi khí hậu. Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất về nguồn vốn này.
Nợ công của các nền kinh tế mới nổi và thu nhập trung bình ở châu Á sẽ tăng lên mức 82,4% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm nay, cao hơn 3 điểm phần trăm so với mức của năm ngoái - theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Mức nợ này cao hơn nhiều so với tỷ trọng 36,2% ở các quốc gia tương tự tại châu Âu và mức 68,5% của các nước Mỹ Latin.
Đối với các nước thu nhập thấp ở châu Á, tỷ lệ nợ công so với GDP được dự báo tăng 1 điểm phần trăm trong năm nay, lên mức 44,6%. Năm ngoái, 70% số quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương có thâm hụt ngân sách - theo dữ liệu của ADB.
Hồi tháng 2, IMF đánh giá trong số 69 quốc gia thu nhập thấp ở châu Á, có 9 nước đã rơi vào tình trạng căng thẳng nợ nước ngoài và 25 nước khác đối mặt nguy cơ cao rơi vào tình trạng tương tự. Lào là một trong những nước đang ở trong trạng thái căng thẳng nợ, trong khi Maldives, Papua New Guinea, Kiribati và Marshall Islands được phân loại là những nước rủi ro cao.
Nợ công của Lào đã vượt mức 120% GDP vào năm 2023. Một nửa nợ nước ngoài của Lào là vốn vay Trung Quốc - theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Một số nhà quan sát nói rằng con số thực tế có thể cao hơn nếu tính cả những khoản nợ ẩn.
Gần đây, đồng kip của Lào đã mất giá mạnh so với đồng USD và đồng baht Thái Lan do có những lo ngại về tình hình tài khoá của nước này. Đồng nội tệ mất giá khiến cho việc trả các khoản nợ bằng USD càng khó khăn hơn đối với Lào. Ngoài ra, phần lớn nguồn cung căng dầu và thực phẩm của Lào phải nhập khẩu, nên sự mất giá của đồng kip cũng dẫn tới mối lo về sự tăng tốc của lạm phát.
Đối với Palau và Fiji, nợ công đã vượt 80% GDP. Các đảo quốc vốn dễ tổn thương trước sự gia tăng của mực nước biển và các điều kiện thời tiết cực đoan khác, dẫn tới nhu cầu chi tiêu ngân sách ngày càng lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng.
Tỷ lệ nợ công so với GDP của một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương - Nguồn: IMF/Nikkei.
Vị thế của Trung Quốc đối với các đảo quốc ở Thái Bình Dương ngày càng tăng, do Bắc Kinh rót nhiều vốn vay vào các nước này. Mỹ và các nước đồng minh đang tìm cách đưa ra cho các đảo quốc Thái Bình Dương mối quan hệ đối tác thay thế cho mối quan hệ với Trung Quốc, thông qua những sáng kiến nhấn mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng và cam kết đảm bảo minh bạch nợ.
Câu chuyện của Sri Lanka cho thấy các cuộc khủng hoảng nợ có thể xảy ra như thế nào.
Năm 2017, Sri Lanka chuyển giao quyền kiểm soát cảng biển Hambantota cho Trung Quốc - một động thái mà một số nhà quan sát xem là dấu hiệu cho thấy nước này đã mắc kẹt với các khoản vay từ Trung Quốc. Hải cảng ở Ấn Độ Dương này có vị trí địa lý chiến lược đối với an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nền kinh tế Sri Lanka tiếp tục xấu đi trong đại dịch Covid-19. Vào tháng 4/2022, Chính phủ nước này tuyên bố tạm dừng việc trả nợ nước ngoài, đồng nghĩa một vỡ nợ quốc gia.
Điệp Vũ
Link gốc