Theo ghi nhận của VietnamFinance, cổ phiếu ngành thuỷ sản trong 2-3 phiên trở lại đây đều đồng loạt biến động theo xu hướng tăng, tạo nên sắc xanh bao phủ cổ phiếu ngành này.
Cổ phiếu đồng loạt “phất cờ xanh”
Đại diện cho mảng cá tra, VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đã có 2 phiên tăng điểm liên tiếp, từ mức 73.200 đồng/cổ phiếu (phiên 6/6) đã tăng lên mức 76.000 đồng/cổ phiếu (10/6), tương đương mức tăng 3,8% trong 2 phiên.
ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) cũng không kém cạnh với 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Giá cổ phiếu tăng từ 33.850 đồng/cổ phiếu lên mức 35.500 đồng/cổ phiếu (10/6), tương đương tăng 4,87% trong 3 phiên.
Những cái tên nổi bật khác trong mảng cá tra cũng không nằm ngoài xu hướng ngành như cổ phiếu ASM của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM), IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia (HoSE: IDI), ACL của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL),…
Trong đó, riêng IDI đã có lúc leo lên mức giá trần trong phiên sáng 10/6, đạt 12.800 đồng/cổ phiếu và kết phiên ở mức giá 12.650 đồng/cổ phiếu (tăng 5,42%).
Ở mảng tôm, CMX của Công ty Cổ phần Camimex Group (HoSE: CMX) ghi nhận cho mình 3 phiên tăng điểm liên tiếp, từ 9.670 đồng/cổ phiếu (5/6) lên mức 9.920 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá của Camimex Group cũng trở lại mức trên 1.000 tỷ đồng sau nhiều tháng “lặn sâu”.
FMC của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) và MPC của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) là 2 cổ phiếu ngành thuỷ sản có nhiều biến động trong phiên 10/6. Cả 2 cổ phiếu đều ghi nhận tăng điểm trong phiên sáng, tuy nhiên đến phiên chiều lại có phần “hụt hơi” và chuyển dần sang sắc đỏ trên bảng điện. Dù vậy, FMC vẫn đóng cửa phiên 10/6 ở mức giá 51.500 đồng/cổ phiếu, tăng 0,98%; MPC kết phiên ở mức giá 18.800 đồng/cổ phiếu, tăng 0,53%.
Diễn biến giá cổ phiếu ngành thuỷ sản phiên 10/6
Theo thông tin mới nhất về tình hình xuất khẩu thuỷ sản, trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 870 triệu USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thuỷ sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 7%.
Các sản phẩm xuất khẩu chính đều ghi nhận sự tăng trưởng từ mức nền thấp cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ tăng mạnh nhất ở mức 36% so với cùng kỳ, kim ngạch đạt 95,3 triệu USD; xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng nhẹ 3%; xuất khẩu cá tra tăng 10% với kim ngạch 175 triệu USD; trong khi xuất khẩu tôm lùi nhẹ 1%, kim ngạch 326 triệu USD.
Như vậy, không ngoại trừ khả năng động lực thúc đẩy diễn biến tích cực của cổ phiếu thuỷ sản trong những ngày vừa qua đến từ các số liệu tăng trưởng của tình hình xuất khẩu trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024.
Xuất khẩu cá tra “sáng cửa” phục hồi, tôm còn nhiều thách thức
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) bày tỏ quan điểm tích cực về triển vọng xuất khẩu cá tra trong nửa cuối năm 2024 với nhiều yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu phục hồi. Theo đó, TPS cho rằng việc lạm phát được kiểm soát tại các thị trường lớn sẽ tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng, ăn uống phục hồi.
Các nền kinh tế lớn đều được dự báo tăng trưởng tích cực trong 2024. Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 4/2024, IMF nâng dự báo GDP của Mỹ lên 2,7%, GDP EU đạt 0,8%. TPS cũng kỳ vọng nhu cầu tại thị trường Trung Quốc sẽ cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế “thẩm thấu”. Được biết, Mỹ, EU và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu lớn của thuỷ sản Việt Nam.
Ngoài ra, TPS cho rằng việc Mỹ và EU đang liên tục siết chặt nhập khẩu thủy sản từ Nga sẽ mở ra cơ hội cho cá tra Việt Nam.
(Ảnh minh hoạ)
Một yếu tố khác hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu cá tra là kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và rà soát bán phá giá. Cụ thể, kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) cho thấy mức thuế sơ bộ POR19 đều giảm đáng kể.
Theo đó, mức thuế áp dụng toàn quốc là 0,14 USD/kg, so với kết quả của kỳ rà soát trước đó là 2,39 USD/kg. Ngoài ra, đợt thanh tra kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Mỹ - FSIS (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đối với cá tra hồi tháng 8 cũng đạt được những kết quả tích cực. TPS cho rằng điều này không chỉ khẳng định uy tín chất lượng cá da trơn của Việt Nam mà còn tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ.
“Giá xuất khẩu cá tra đã có sự cải thiện tích cực khi nhu cầu dần phục hồi và giá cá nguyên liệu thấp, khiến các hộ nuôi cá trì hoãn thả giống mới khiến cho nguồn cung bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2024. Nhìn về giai đoạn nửa còn lại của năm, chúng tôi cho rằng nguồn cung cá tra sẽ có sự ổn định khi diện tích thả giống mới trong quý I/2024 đã tăng trở lại; giá nguyên liệu đầu vào làm thức ăn nuôi cá tra có thể sẽ hạ nhiệt khi hiện tượng El Nino suy yếu, thời tiết thuận lợi hơn trong nửa cuối năm, hỗ trợ cho việc thả giống của các hộ nuôi”, các chuyên gia của TPS nhận định.
Đồng thời, công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng giá xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục cải thiện nhẹ chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường chính phục hồi và hoạt động nhập khẩu giai đoạn cuối năm để phục vụ dịp lễ tết.
Không lạc quan như mảng cá tra, TPS cho rằng mảng tôm cũng sẽ phục hồi trong năm 2024 nhưng đi kèm nhiều thách thức.
Theo đó, tương tự như cá tra, nhu cầu tiêu thụ tôm được kỳ vọng phục hồi trong năm 2024 nhờ sự cải thiện dần dần của nền kinh tế toàn cầu và lạm phát hạ nhiệt. Tuy nhiên, TPS vẫn thận trọng khi vẫn còn 2 yếu tố có thể ảnh hưởng tới mảng này.
Thứ nhất là việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tôm Việt Nam. Ngày 25/3/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador. Theo đó, từ 1/4/2024 thuế suất áp dụng toàn quốc đối với Ấn Độ là 4,36%, Ecuador là 7,55%, Việt Nam là 2.84%. Điều này đồng nghĩa với việc ngành tôm sẽ phải gánh thêm chi phí, trong bối cảnh nhu cầu chưa phục hồi hoàn toàn, điều này sẽ gây áp lực lên sự phục hồi của tôm Việt Nam.
TPS dự báo trong cuối quý III hoặc đầu quý IV/2024, các kết luận chính thức sẽ được đưa ra. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm từ các đợt điều tra, rà soát trước đó và nhiều lần chứng minh không bán phá giá và trợ cấp thành công. Ngoài ra, giá xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ cao hơn đáng kể so với Ecuador, Indonesia và Ấn Độ.
TPS cho rằng những điều này sẽ mang lại kết quả tích cực cho ngành tôm Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong thời gian tới sẽ giúp tháo gỡ những rào cản thuế chống trợ cấp đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Yếu tố thứ 2 ảnh hưởng tới mảng tôm là nhu cầu tiêu thụ yếu trong khi sản lượng tôm của Ecuador tăng mạnh đã dẫn đến tình trạng dư cung của ngành tôm trong 2023, dự kiến sẽ vẫn tiếp diễn trong 2024.
Theo Global Seafood Alliance (GSA), sản lượng tôm toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi trong 2024 với tăng trưởng 4.8% so với cùng. Trong đó, sản lượng tôm Ecuador dù dự báo sẽ hạ nhiệt nhưng vẫn tăng trưởng 7% trong năm tới, Ấn Độ tăng 2%, Việt Nam tăng 6%, Indonesia tăng 3,6%.
Hải Đường-Link gốc