Khối ngoại ghi dấu ấn buồn trên thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô bán ròng kỷ lục...
Ảnh minh họa.
Những con số thống kê được thực hiện bởi FiinTrade cho thấy, nhiều kỷ lục buồn của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024.
NHIỀU KỶ LỤC BUỒN
Theo đó, giá trị bán ròng của khối ngoại tăng mạnh trong tháng 5/2024, đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay: Giá trị bán ròng của khối ngoại tính trên 3 sàn (HOSE, HNX và UPCOM) đạt hơn 15,6 nghìn tỷ đồng trong tháng 5/2024. Đây là tháng ghi nhận mức bán ròng cao nhất từ trước đến nay, vượt qua giá trị bán ròng kỷ lục trong tháng 3/2024 (11,3 nghìn tỷ đồng). Hơn 84% giá trị bán ròng của khối ngoại trong tháng 5/2024 được thực hiện qua khớp lệnh.
Lũy kế 5 tháng năm 2024, khối ngoại bán ròng vượt tổng giá trị bán ròng cả năm 2023 giá trị bán ròng 32,4 nghìn tỷ đồng, gấp 1,42 lần giá trị bán ròng trong năm 2023 (hơn 22,8 nghìn tỷ đồng).
Xét khung thời gian 1 năm, lực bán ròng của khối ngoại (chỉ tính riêng trên sàn HOSE) tiếp tục xu hướng tăng cao. Lũy kế 12 tháng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 61 nghìn tỷ đồng, tập trung bán mạnh trong tháng 5/2024 và tháng 3/2024.
Cá nhân trong nước là bên mua ròng đối ứng với lực bán ròng của nước ngoài từ tháng 5/2023 đến nay. Lũy kế 12 tháng, tổng giá trị mua ròng của Cá nhân trong nước đạt 62 nghìn tỷ đồng.
Quy mô bán ròng của tổ chức nước ngoài tăng mạnh trong tháng 5/2024, phần lớn đến từ nhóm Chủ động: Tổng giá trị bán ròng của tổ chức nước ngoài ghi nhận 14,9 nghìn tỷ, tăng mạnh 157% so với tháng 4/2024. Cụ thể, nhóm chủ động chiếm 94,1% giá trị bán ròng trong tháng và phần còn lại đến từ các quỹ ETF.
Lũy kế 5 tháng năm 2024, giá trị bán ròng của tổ chức nước ngoài vượt cả năm 2023. Tổng giá trị bán ròng của tổ chức nước ngoài đạt gần 34 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm. Đây là mức bán ròng lớn nhất từ trước đến nay, gấp 1,36 lần tổng giá trị bán ròng trong năm 2023 (25 nghìn tỷ đồng). Trong đó, nhóm Chủ động bán ròng 14,1 nghìn tỷ đồng và các quỹ ETF chiếm phần còn lại (869 tỷ đồng).
Xét khung thời gian 1 năm, xu hướng bán ròng liên tục đẩy mạnh ở cả 2 nhóm ETF và nhóm Chủ động. Lực bán ròng mạnh ở nhóm Chủ động tập trung chủ yếu ở tháng 12 và tháng 5. Lũy kế 12 tháng, nhóm Chủ động đã bán ròng tổng cộng 41 nghìn tỷ đồng trong khi nhóm ETF đạt 16,3 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán là Top bán ròng của nhóm Chủ động trong tháng 5/2024: Cụ thể, các cổ phiếu Ngân hàng bị bán ròng mạnh bao gồm CTG, ABB, VPB, HDB; trong đó, ABB do cổ đông chiến lược là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thoái vốn và lực bán ròng của khối ngoại ở CTG và HDB có một phần đến từ quỹ PYN Elite.
Bất động sản tiếp tục gặp áp lực bán ròng của khối ngoại trong tháng 5, chủ yếu ở Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE). Với Dịch vụ tài chính (Chứng khoán), phần lớn lực bán ròng đến từ cổ phiếu VND và SSI.
Ngược lại, Bán lẻ và Du lịch được Nước ngoài mua ròng: Bán lẻ được nhóm Chủ động mua ròng tích cực, chủ yếu là MWG do nhóm quỹ liên quan đến Dragon Capital mua vào. Ở nhóm Du lịch & Giải trí, nước ngoài mua ròng HVN. Ngoài ra, Dabaco (DBC) được quỹ Elite PYN mua ròng mạnh và Nam Long Group (NLG) với sự tham gia mua vào của nhóm liên quan đến Dragon Capital (VEIL, Amersham Industries,...).
ÁNH SÁNG LE LÓI TỪ CÁC ETF
Tín hiệu tích cực duy nhất là các quỹ ETF ghi nhận đà rút ròng giảm. Các quỹ ETF tiếp tục ghi nhận rút ròng hơn 1,3 nghìn tỷ đồng trong tháng 5/2024, tuy nhiên, quy mô rút ròng đã giảm đáng kể so với tháng 4/2024. Trong đó, giá trị rút ròng nhóm quỹ ETF ngoại là hơn 112 tỷ đồng và các quỹ ETF trong nước là 1,2 nghìn tỷ đồng.
Tổng giá trị rút ròng trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 12,5 nghìn tỷ đồng, gấp 7,9 lần so với tổng mức rút ròng cả năm 2023 và tương đương 38,6% giá trị bán ròng của khối ngoại trong cùng giai đoạn này. Trong đó, các quỹ ETF ngoại chịu áp lực rút ròng hơn 3,4 nghìn tỷ đồng và các quỹ ETF nội là 9,1 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động rút ròng giảm mạnh ở quỹ VFMVN Diamond ETF (-270 tỷ đồng) nhưng tăng đáng kể ở quỹ VFM VN30 ETF (-564 tỷ đồng), SSIAM VNFIN LEAD (-676 tỷ đồng). Trong khi đó, dòng tiền đảo chiều rút ròng trong tháng 5/2024 ở quỹ Fubon FTSE (-786 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, quỹ Xtracker FTSE bất ngờ vào ròng 182 tỷ đồng trong tháng 5/2024 sau 3 tháng bị rút ròng trước đó. Dòng tiền vào ròng tháng thứ 2 liên tiếp ở quỹ VanEck Vietnam ETF (+130 tỷ đồng) và ở nhóm quỹ của Hàn Quốc, bao gồm quỹ KIM ACE Vietnam VN30 (+373 tỷ đồng), KIM Growth VN30 (+310 tỷ đồng).
Dòng vốn đến từ Hàn Quốc tiếp tục vào ròng mạnh so với lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, cụ thể là quỹ KIM GROWTH VN30, KIM ACE Vietnam VN30. Danh mục mua vào của các quỹ này chủ yếu là Thép (HPG), Ngân hàng (TCB, ACB), và Công nghệ thông tin (FPT).
Ngược lại, dòng vốn đến từ Đài Loan (Fubon FTSE Vietnam) và qua các quỹ ETF nội (ETF DCVFMVN Diamond, ETF SSIAM VNFIN LEAD) lại rút ròng mạnh. Danh mục bán ròng tập trung ở nhóm ngành Ngân hàng (TCB, MBB, VCB, VPB).
Nhóm Chủ động nước ngoài đẩy mạnh bán ra cổ phiếu trong tháng 5/2024: Giá trị bán ròng của nhóm Chủ động nước ngoài trong tháng 5/2024 là 14,1 nghìn tỷ đồng, vượt cả mức bán ròng ghi nhận trong tháng 12/2023 (8,3 nghìn tỷ đồng). Đây là tháng thứ 4 liên tiếp nhóm Chủ động bán ròng, tăng mạnh ở tháng 5/2024. Lũy kế 5 tháng năm 2024, nhóm chủ động bán ròng 22,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 55,4% tổng giá trị bán ròng của năm 2023 (41,3 nghìn tỷ đồng).
Cập nhật dòng tiền ở 2 quỹ chủ động (VEIL và PYN Elite Fund): Trạng thái rút ròng tiếp tục được ghi nhận ở quỹ VEIL trong tháng 5/2024. với giá trị rút ròng là hơn 166 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ PYN Elite Fund hút ròng gần 68 tỷ đồng trong cùng tháng.
Trong tháng 5/2024, quỹ PYN Elite bán ròng mạnh HDB, CTG và mua ròng tích cực MBB, STB, và MBB: Top bán ròng là HDB (9 triệu cổ phiếu tương đương 211 tỷ đồng), CTG (8,1 triệu cổ phiếu 259 tỷ đồng), và SHS (521 nghìn cổ phiếu, 9 tỷ đồng). Ngược lại, top mua ròng là MBB (9,8 triệu cổ phiếu tương ứng 213 tỷ đồng), ACV (4,2 triệu cổ phiếu, 348 tỷ đồng), STB (3,4 triệu cổ phiếu, 94 tỷ đồng).
Tuệ Lâm-Link gốc