Việc cắt giảm lãi suất gần đây của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể dẫn đến biến động tiền tệ, cùng với căng thẳng về tỷ giá, được cho là ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Cho nên các doanh nghiệp Việt cần theo dõi sát các biến động này để chủ động có những giải pháp phù hợp, tính toán phương án nhằm giảm thiểu các rủi ro khi xuất khẩu.
Ts. Chu Thanh Tuấn (Đại học RMIT) nhận định việc cắt giảm lãi suất gần đây của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu (XK) của Việt Nam.
Giảm phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào
Đơn cử như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất tiền gửi từ 4% xuống 3,75%. Còn Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã cắt giảm lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản xuống 4,75%.
Các nhà XK nông sản thực phẩm của Việt Nam cần theo dõi sát biến động tiền tệ trên toàn cầu để tính toán các phương án hợp lý nhằm giảm thiểu rủi ro.
Theo ông Tuấn, việc cắt giảm của ECB và BOC có thể tác động đến thương mại toàn cầu. Ví dụ, đồng Euro hoặc đô la Canada yếu hơn có thể khiến XK từ các khu vực này trở nên cạnh tranh hơn, có khả năng cải thiện cán cân thương mại. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm tăng chi phí nhập khẩu, góp phần gây áp lực lạm phát.
Như lưu ý của vị chuyên gia này, Việt Nam là nền kinh tế định hướng XK, rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế toàn cầu. Việc cắt giảm lãi suất gần đây của các ngân hàng trung ương lớn như ECB và BoC có thể dẫn đến biến động tiền tệ và thay đổi động lực thương mại toàn cầu.
Chính vì vậy, ông Chu Thanh Tuấn kiến nghị cần tăng cường chính sách thương mại thông qua việc đa dạng hóa thị trường XK. Nhất là cần giảm phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào bằng cách mở rộng quan hệ thương mại với các nước khác. Điều này có thể giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động tiền tệ và suy thoái kinh tế ở các khu vực nhất định.
Chia sẻ mới đây với DN XK dệt may về xu hướng tài chính tiền tệ trong nửa cuối năm 2024, Ts. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận định Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặc biệt quan tâm đến ba chỉ số chính là lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng GDP để đưa ra quyết định về lãi suất. Chính điều này có thể sẽ khiến Fed quyết định cắt giảm lãi suất sớm so với kế hoạch vào tháng 9/2024.
Tại Việt Nam, tỷ giá giữa USD/VND tăng lên gần 3,97% so với đầu năm, tuy nhiên nếu như Fed cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến, khả năng tỷ giá giữa USD/VND sẽ bớt chịu áp lực hơn trước. Ts. Phước dự báo đến cuối năm 2024 tỷ giá USD/VND sẽ tăng thêm khoảng 1%, ở mức 25.700 đến 25.800 đồng.
Liên hệ đến XK dệt may, theo ông Phước, mặc dù đồng nội địa các quốc gia XK dệt may cạnh tranh với Việt Nam đã ổn định không còn bị phá giá nhiều như năm 2022, nhưng khả năng một số quốc gia như Mexico, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia có thể sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền để tăng tính cạnh tranh đối với hàng dệt may của Việt Nam. Trong khi đó, dự báo lãi suất huy động đồng Việt Nam đang có xu hướng tăng trở lại khả năng sẽ duy trì ở mức 6,5 – 6,8%.
Còn trong báo cập nhật kinh tế vĩ mô vào tháng 6/2024, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc tỷ giá có căng thẳng tiếp hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed và xu hướng đồng USD. Xét yếu tố trong nước, thời gian cao điểm đối với nhu cầu ngoại tệ thường rơi vào cuối quý 3, đầu quý 4/2024. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá.
Tính toán các phương án hợp lý
Cho nên, trước những biến động về tiền tệ ở hiện tại và trong thời gian tới đang cần các doanh nghiệp (DN) XK tính toán phương án tài chính, nguồn vốn, tiền tệ ngân hàng cho kế hoạch sản xuất và XK trong nửa cuối năm 2024. Trong đó, với tình hình tỷ giá giữa USD/VND như hiện nay, các DN cần cân nhắc phương án quy đổi phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của mình.
Ngoài ra, các DN cần chủ động có những giải pháp đề phòng khi tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, cũng như một số phương án về quản trị dòng tiền, quản trị hàng tồn kho để giảm thiểu rủi ro tài chính…DN nên cân đối để chuyển đổi đồng USD sang VND được dự báo có thể lên giá nhẹ vào cuối năm.
Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cũng cần đồng hành để giúp DN giảm thiểu rủi ro XK khi có biến động về tiền tệ. Tại buổi đối thoại vừa diễn ra ở Tp.HCM giữa cộng đồng DN và ngành ngân hàng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Long Biên (chuyên sản xuất chế biến thủy hải sản), đã nêu rõ một thực trạng là nhiều DN nhỏ và vừa đang hết tài sản đảm bảo thế chấp, nên rất cần các ngân hàng có những động thái cởi mở hơn trong vấn đề cho vay tín chấp hoặc cho vay bằng nhiều hình thức khác nhằm khơi thông sản xuất và XK. Vì thế, đây là lúc mà chính sách tín dụng cần đột phá, đôi khi phải “xé rào” để các DN tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.
Giới chuyên gia cho rằng trong lúc này ngành ngân hàng cần có các giải pháp tín dụng linh hoạt để tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu. Về phía Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như XK.
Mặt khác, các cơ quan quản lý có liên quan nên theo dõi sát tình hình biến động tiền tệ, căng thẳng về tỷ giá trên thế giới để dự báo và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Qua đó giúp cho các DN Việt nắm bắt sớm những diễn biến mới để chủ động phòng ngừa rủi ro khi XK.
Như khuyến nghị của Ts. Chu Thanh Tuấn, với việc cắt giảm lãi suất của ECB và BoC, Chính phủ cần thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt để đối phó với các cú sốc bên ngoài và duy trì ổn định kinh tế. Điều này liên quan đến việc giám sát tích cực thị trường tài chính toàn cầu và các biện pháp can thiệp thích hợp khi cần thiết. Đồng thời, xây dựng dự trữ ngoại hối mạnh mẽ để chống lại biến động tiền tệ và áp lực kinh tế bên ngoài.
Về phía các DN Việt, trước mối lo biến động về mặt tiền tệ trên toàn cầu, điều cần làm là bám sát những thông tin mới về xu hướng tài chính, tiền tệ trên thế giới trong thời gian tới nhằm tính toán các phương án hợp lý trong việc ký kết các đơn hàng. Họ nên linh hoạt trong chuỗi cung ứng của mình để kiểm soát giá thành nhằm sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khách hàng, thị trường XK.