VDSC cho rằng cuối quý III, đầu quý IV năm nay là giai đoạn cao điểm đối với nhu cầu ngoại tệ. Do đó, NHNN có thể cần phải can thiệp bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá.
Các chuyên gia dự báo NHNN có thể cần bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Ảnh: Nam Khánh.
Ghi nhận trong báo cáo vĩ mô thị trường Việt Nam tháng 6, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá sức khỏe nền kinh tế trong nước tháng 5 đã đánh dấu bước chuyển về mặt chính sách tiền tệ với nhiều hành động từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm kiểm soát biến động tỷ giá, lãi suất và giá vàng.
Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng mục tiêu tổng thể của các giải pháp này vẫn là giảm áp lực mất giá đối với tiền Đồng.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định
Trong tháng 5, nhà điều hành tiếp tục cân đối thanh khoản trên thị trường mở nhằm duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức cao.
Cụ thể, cơ quan quản lý tiền tệ đã hút ròng hơn 106.000 tỷ đồng qua kênh cầm cố và 25.500 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Tổng quy mô hút ròng khoảng 131.600 tỷ đồng trong tháng.
Đồng thời, trong giai đoạn 22/4-27/5, NHNN cũng bán ra khoảng 4,1 tỷ USD để kiềm chế đà mất giá của tiền Đồng, tương đương 105.500 tỷ đồng.
"Như vậy, việc điều tiết qua thị trường mở kết hợp với bán can thiệp USD vừa đủ để cân đối lại lượng bơm ròng khoảng 238.100 tỷ đồng trong tháng trước", các chuyên gia VDSC cho biết.
Ngoài ra, NHNN cũng đã thu về một lượng tiền Đồng thông qua 9 phiên đấu thầu vàng miếng, nhưng số lượng này không đáng kể, chỉ đạt 48.500 lượng vàng, tương đương khoảng 4.300 tỷ đồng.
Trong bối cảnh này, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng bình quân khoảng 4,3%/năm, tăng 0,28 điểm % so với tháng trước. Lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng tương ứng tăng 0,24-0,39 điểm % lên lần lượt là 4,52%/năm và 4,63%/năm.
Các kỳ hạn dài hơn từ 1 đến 3 tháng cũng ghi nhận mức tăng cao, phản ánh kỳ vọng thị trường về xu hướng lãi suất trong tương lai gần.
VDSC nhận định diễn biến tăng của lãi suất liên ngân hàng cũng tương đồng với quyết định nâng lãi suất trên thị trường mở của NHNN.
Cụ thể, lãi suất cho vay ở kênh cầm cố và lãi suất tín phiếu đã được NHNN tăng 0,5 điểm % từ ngày 24/4 đến nay lên lần lượt là 4,5%/năm và 4,25%/năm. Mức lãi suất cho vay này đã ngang bằng với lãi suất cho vay tái cấp vốn nhà điều hành đang ấn định.
Có thể phải bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá
Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước vẫn duy trì lãi suất huy động như một điểm neo về mặt chính sách, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhóm 1 đã nhích dần với mức tăng trung bình 0,15-0,33 điểm % ở tất cả kỳ hạn, kỳ hạn ngắn 1-3 tháng ghi nhận mức thay đổi nhiều hơn so với kỳ hạn dài.
Các chính sách điều hành của NHNN thời gian qua chủ yếu nhằm giảm áp lực tỷ giá USD/VND. Ảnh: Chí Hùng.
Công ty chứng khoán này cho rằng xu hướng tăng lãi suất huy động có phần hạn chế và chưa mở rộng sang các nhóm ngân hàng khác.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của toàn hệ thống hiện vẫn đang thấp hơn 0,2-0,46 điểm % so với đầu năm. Lãi suất huy động trên thị trường 1 có thể tăng nhưng mức tăng sẽ hạn chế. VDSC dự báo kịch bản thuận lợi nhất là lãi suất sẽ trở lại mặt bằng vào cuối năm 2023, và như vậy sẽ không quá ảnh hưởng đến triển vọng giảm lãi suất cho vay.
Trong thời gian tới, nhóm phân tích nhận định việc tỷ giá có căng thẳng tiếp hay không sẽ phụ thuộc vào lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và xu hướng đồng USD. Với tình hình kinh tế hiện tại, VDSC cho rằng tỷ giá USD/VND có thể duy trì ở mức 25.500 đồng/USD.
"Xét yếu tố trong nước, thời gian cao điểm đối với nhu cầu ngoại tệ thường rơi vào cuối quý III, đầu quý IV. Khi đó, NHNN có thể cần bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá", VDSC chia sẻ thêm.