Kể từ ngày 1/7 tới đây, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Ngân hàng VIB (mã cổ phiếu VIB) sẽ được điều chỉnh giảm mạnh từ mức 20,5% xuống chỉ còn 4,99%.
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Ngân hàng VIB, mã cổ phiếu VIB - sàn HoSE) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 với sự tham dự của 69 cổ đông (trực tiếp và uỷ quyền tham dự) với tổng số cổ phần đạt hơn 2 tỷ đơn vị, chiếm 80,63% tổng số cổ phiếu biểu quyết của Ngân hàng VIB.
Tại Đại hội, Hội đồng Quản trị Ngân hàng VIB đã trình bày đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tại Ngân hàng VIB từ 20,5% xuống còn 4,99% và đề xuất này đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, mặc dù đối tác chiến lược hiện nay của Ngân hàng VIB là ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) có thể giữ lại số cổ phần hiện tại là 19,8% tương đương 503 triệu cổ phiếu nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu và chỉ được phép bán ra cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Ngân hàng VIB bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) hiện đang là cổ đông lớn nhất tại Ngân hàng VIB.
Như vậy, CBA chỉ có thể bán lại cho các nhà đầu tư trong nước. Diễn biến này xảy ra sau khi xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng CBA sẽ thoái vốn khỏi Ngân hàng VIB. CBA hiện là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng VIB.
Tại Đại hội, nhiều cổ đông cũng đã thắc mắc về việc Ngân hàng VIB giảm mạnh giới hạn room ngoại, theo ghi nhận của Chứng khoán Vietcap, ban lãnh đạo Ngân hàng VIB cho biết mới chỉ biết tới mục tiêu thoái vốn của CBA sau khi được Ngân hàng Nhà nước trả lại văn bản chấp thuận thoái vốn. Hiện tại, Ngân hàng VIB chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch thoái vốn cụ thể sắp tới của CBA.
Trong khi đó, CBA cho biết kế hoạch thoái vốn của họ là do các thay đổi về mặt chính sách và đã được lên kế hoạch từ năm 2018.
Thực tế, động thái thoái vốn khỏi Ngân hàng VIB của CBA đã phần nào được phản ánh trong những kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên gần đây. Vào năm 2019, CBA đã có động thái rút khỏi Hội đồng Quản trị của Ngân hàng VIB. Mặc dù khẳng định chưa rời bỏ Ngân hàng VIB nhưng đại diện CBA từng cho biết "đang có chiến lược trở thành ngân hàng gọn nhẹ hơn và trong quá trình đánh giá lại các khoản đầu tư trên toàn cầu".
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán SSI, việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ giúp Ngân hàng VIB thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm đối tác chiến lược mới. Ban lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược mới sau khi CBA thoái vốn theo các quy định hiện hành. SSI Research cũng nhận định, ở thời điểm hiện tại, chưa có thoả thuận về khối lượng lẫn giá bán liên quan đến việc thoái vốn của CBA.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VIB của Ngân hàng VIB trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)
Với mức vốn hoá 139 tỷ USD, CBA là một trong những ngân hàng hàng đầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và xếp thứ 13 trên toàn cầu. Đây cũng là cổ đông chiến lược có vốn hóa lớn nhất của các ngân hàng Việt Nam, vượt qua Mitsubishi UFJ tại Ngân hàng VietinBank, Sumitomo Mitsui tại Ngân hàng VPBank hay Mizuho tại Ngân hàng Vietcombank.
Năm 2010, CBA chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng VIB khi mua lại 15% cổ phần với giá khoảng 4.000 tỷ đồng sau một khoảng thời gian đàm phán từ năm 2009. Một năm sau đó, CBA đã nâng mức sở hữu tại Ngân hàng VIB lên 20%.
Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn vốn thu được từ thương vụ bán cổ phần, CBA cũng cử các chuyên gia sang hỗ trợ Ngân hàng VIB trong những hoạt động kinh doanh quan trọng như ngân hàng bán lẻ, công nghệ ngân hàng, quản lý rủi ro, quản trị nguồn nhân lực, tài chính và nguồn vốn. Qua đó, thúc đẩy Ngân hàng VIB xoay trục thành công từ tín dụng bán buôn sang tín dụng bán lẻ với tỷ trọng cho vay cá nhân hiện đứng đầu tại Việt Nam.
Duy Quang-Link gốc