Sức hút của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) rất lớn do có độ mở thị trường cao, vì vậy đã có 6 quốc gia đề nghị mong muốn tham gia Hiệp định này.
Theo đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc tham gia Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt đối với những thị trường chưa có các FTA như: Canada, Mexico, Peru...
Nhiều quốc gia muốn tham gia Hiệp định CPTPP.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tăng trưởng thương mại vào các nước thành viên mới của CPTPP đạt được mức cao. Tỷ lệ áp dụng xuất xứ thực thi CPTPP của một số mặt hàng như gạo tăng hơn 2.000%, sắn hơn 3.000%, máy móc thiết bị và dụng cụ khác hơn 100%.
Tuy nhiên, VCCI khảo sát cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA đã ký chưa cao, dù một số thị trường có thuế giảm thấp. Vì vậy, dư địa vẫn còn, doanh nghiệp cần nắm vững thông tin về thuế suất để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các thị trường này.
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên lưu ý trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp cần đáp ứng xu thế tiêu dùng xanh, sản xuất sạch. Khi xuất khẩu sang các nước phát triển làm sao đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn xanh của EU, cũng như các nước thành viên CPTPP.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm, khi Việt Nam tham gia, CPTPP có 11 thành viên. Tuy nhiên, đây là hiệp định có độ mở cửa cao nhất, tạo sức hút mạnh mẽ để nhiều nước xin tham gia vào CPTPP.
Hiện nay, các nước có ý kiến chính thức muốn tham gia CPTPP là 6 quốc gia. Điều này cho thấy giá trị của CPTPP. "Nhưng câu chuyện tận dụng Hiệp định hay không là câu chuyện khác, xuất phát từ các chủ thể", ông Tân nói.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương mong muốn mỗi địa phương, doanh nghiệp cần tận dụng sản phẩm lợi thế của mình để nắm bắt cơ hội từ CPTPP. "Doanh nghiệp cần cạnh tranh tốt ở thị trường trong nước và tiếp tục vươn tới các thị trường có FTA", ông lưu ý.
Mới đây, Indonesia cho biết sẽ nộp đơn gia nhập CPTPP trong năm nay. Indonesia kỳ vọng việc trở thành thành viên của hiệp định thương mại này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu của Indonesia. Ngoài ra, khi tham gia CPTPP, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Indonesia sẽ được bảo vệ tốt hơn dựa trên những quy định cạnh tranh mà hiệp định này đặt ra.
Hồi tháng 7/2023, tại một cuộc họp cấp bộ trưởng ở Auckland, New Zealand, các nước thành viên CPTPP đã chính thức phê duyệt Anh tham gia hiệp định. Theo đó, Anh trở thành thành viên mới đầu tiên và quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia CPTPP kể từ khi hiệp định này được ký kết năm 2018.
Trước khi Anh gia nhập, CPTPP gồm 11 quốc gia thành viên là Singapore, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand.
Thy Lê - Link gốc