• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,15 +0,04/+0,00%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 9:45:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,15   +0,04/+0,00%  |   HNX-INDEX   222,21   -0,27/-0,12%  |   UPCOM-INDEX   93,11   0,00/0,00%  |   VN30   1.312,76   -0,72/-0,05%  |   HNX30   462,68   +0,49/+0,11%
20 Tháng Giêng 2025 9:48:51 SA - Mở cửa
Dự kiến cần hơn 122 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030
Nguồn tin: Vneconomy | 03/06/2024 1:47:59 CH

Theo đề xuất, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2030 khoảng 122.250 tỷ đồng...

Ảnh minh họa

Ngày 3/6/2024, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình báo cáo Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035.

TẠO BƯỚC CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ, TOÀN DIỆN TRONG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

Chương trình nhằm cụ thể hoá định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”, việc đầu tư xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết.

Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, đó là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035.

Cùng với đó là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế xã hội, huy động, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo, tiếp thu và nghiên cứu, áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Về nguồn vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết tổng các nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 50.000 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 27.000 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.

Ngoài ra, vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); trong đó: Vốn đầu tư phát triển: 18.000 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 12.250 tỷ đồng. Vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Tổng số vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay trong giai đoạn 2021-2025 là 192.586 tỷ đồng.

So sánh, đối chiếu các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu của ba Chương trình mục tiêu quốc gia này với 10 nhóm nội dung thành phần của Chương trình, Chính phủ đề xuất tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 là 77.000 tỷ đồng (trong đó 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 27.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Tổng nguồn vốn này là phù hợp, đảm bảo khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách Nhà nước, ông Hùng cho hay.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện thời gian là 2025-2035. Cụ thể, năm 2025 chỉ tập trung chỉ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình...

Kỳ trung hạn 2026-2030: Tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua. Giai đoạn 2031-2035: Tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.

ĐỂ VĂN HÓA THỰC SỰ TRỞ THÀNH NỀN TẢNG TINH THẦN VỮNG CHẮC CỦA XÃ HỘI

Báo cáo thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nhấn mạnh việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Ủy ban đề nghị rà soát các đối tượng thụ hưởng của Chương trình theo hướng khái quát hơn nhưng không bỏ sót đối tượng và tránh trùng lặp. Rà soát cơ sở pháp lý của các đối tượng thụ hưởng để quản lý chặt chẽ nguồn lực đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035.

Về phạm vi, quy mô thực hiện, Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất về phạm vi, quy mô thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phạm vi của Chương trình còn rộng, dàn trải. Do đó, Ủy ban đề nghị căn cứ điều kiện thực tiễn ở địa phương, kết quả đầu tư của ngân sách nhà nước ở các thời kỳ trước và khả năng bố trí nguồn lực, xác định các nhiệm vụ đầu tư trọng điểm, cấp bách để ưu tiên thực hiện trước.

Về dự kiến nguồn lực, tổng mức đầu tư, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư và cho rằng việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện Chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.

Có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho Chương trình là khá lớn, cao hơn so với các Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện. Đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của Chương trình.

Về nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí mức bố trí vốn ngân sách trung ương cho Chương trình; Hội đồng thẩm định quốc gia xác nhận đây là mức có thể chấp nhận được, nằm trong khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, theo quy định của Luật Đầu tư công, do chưa đến thời điểm để dự toán nguồn lực cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 nên chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Chương trình. Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng căn cứ đề xuất tổng mức vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình, căn cứ phân bổ vốn hằng năm, tính toán kỹ lưỡng về khả năng thực hiện, giải ngân Chương trình để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, Ủy ban cơ bản nhất trí và đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực, bố trí đầy đủ trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.

Về ngân sách địa phương, nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí ngân vốn sách địa phương phù hợp hơn với thực tiễn.

Đối với nguồn huy động hợp pháp khác, Ủy ban đề nghị làm rõ căn cứ và tính khả thi của việc xác định tổng nguồn vốn huy động hợp pháp thực hiện Chương trình; xác định rõ các nhiệm vụ, dự án có khả năng sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đồng thời, nghiên cứu quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đối với khu vực tư nhân, giảm áp lực ngân sách nhà nước…

Nhĩ Anh-Link gốc