Số liệu tăng trưởng vĩ mô tích cực được công bố cuối tuần qua tưởng như sẽ giúp thị trường hồi lại sau phiên bán tháo cuối tuần trước, nhưng sự thất vọng lại đến. Sau vài nhịp giằng co, cổ phiếu bắt đầu giảm giá cả loạt, chủ yếu do dòng tiền mua không có biểu hiện gì là sẵn sàng. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn sáng nay lại tụt xuống mức đáy mới...
Mặc dù thanh khoản chung rất yếu nhưng nhìn vào nhóm giao dịch sôi động nhất sáng nay, sắc đỏ vẫn là chủ đạo.
Số liệu tăng trưởng vĩ mô tích cực được công bố cuối tuần qua tưởng như sẽ giúp thị trường hồi lại sau phiên bán tháo cuối tuần trước, nhưng sự thất vọng lại đến. Sau vài nhịp giằng co, cổ phiếu bắt đầu giảm giá cả loạt, chủ yếu do dòng tiền mua không có biểu hiện gì là sẵn sàng. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn sáng nay lại tụt xuống mức đáy mới.
VN-Index chỉ xanh trong khoảng vài phút đầu tiên sau khi mở cửa để rồi tạo đáy sâu nhất lúc 10h15, mất hơn 5 điểm. Nhịp hồi sau đó không đủ kéo chỉ số quay lại tham chiếu. Khoảng 45 phút cuối phiên là nhịp trượt giảm nối tiếp, VN-Index chốt phiên sáng giảm 3,82 điểm tương đương -0,31%.
Tuy chỉ số chưa quay lại đáy thấp nhất sáng nay nhưng độ rộng lại tệ hơn nhiều, cho thấy cổ phiếu đang suy yếu nhanh hơn chỉ số. Cụ thể, lúc VN-Index tạo đáy sâu nhất, ghi nhận 141 mã tăng/212 mã giảm. Chốt phiên sáng chỉ có 144 mã tăng/237 mã giảm. Trừ ít phút đầu tiên còn nhiều cổ phiếu chưa có giá khớp lệnh, còn lại toàn thời gian của phiên, số cổ phiếu giảm giá luôn áp đảo số tăng.
Khả năng nâng đỡ của nhóm cổ phiếu lớn đang tạo sự phân hóa giữa chỉ số và độ rộng. VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,36% với 14 mã tăng/16 mã giảm, nhưng nhóm trụ vẫn còn 5 mã tăng là VCB tăng 0,35%, GAS tăng 0,65%, CTG tăng 0,32%, VPB tăng 0,54% và VNM tăng 0,15%. Trong số này mới có VPB bị ép giá đáng kể nhất, cổ phiếu này đầu phiên tăng tới 1,61%, tương đương biên độ trượt giá sáng nay lên tới 1,06%. VCB, VNM, GAS, CTG đều chỉ trượt giá rất nhẹ nên chưa tổn hại nhiều tới chỉ số. FPT giảm 1,23%, TCB giảm 2,36%, GVR giảm 1,17% đang là 3 trụ yếu nhất, nhưng tính về điểm số cũng mới cân bằng với nhóm tăng giá nói trên.
Hiện tâm lý nhìn vào chỉ số VN-Index để phán đoán thị trường vẫn rất nặng nề, điều này tạo hiệu ứng khá chặt chẽ: Nếu chỉ số được các trụ duy trì trạng thái dao động nhỏ thì tâm lý thị trường ổn định. Ngược lại, nếu các trụ bị ép mạnh khiến VN-Index mất nhiều điểm, tâm lý lo sợ sẽ lên cao thậm chí là kích hoạt bán tháo. Các phiên biên động mạnh trong hai tuần qua đều xuất phát từ hiện tượng ép trụ trước.
Hiện thị trường đang phòng thủ bằng cách giảm cường độ giao dịch. Độ rộng nghiêng mạnh về phía giảm nhưng cũng chưa xuất hiện áp lực bán lớn. Cụ thể, trong 237 cổ phiếu đang đỏ của VN-Index, chỉ có 75 mã giảm quá 1% và thanh khoản chiếm khoảng 30,8% sàn HoSE. Chỉ có 4 mã trong nhóm này xuất hiện thanh khoản lớn là FPT giảm 1,23% với 388,2 tỷ đồng; SSI giảm 1,47% với 138,9 tỷ; DGC giảm 1,55% với 133,5 tỷ; HAH giảm 2,65% với 110 tỷ. Khoảng 15 cổ phiếu khác giao dịch trong tầm 20 tỷ tới 80 tỷ đồng. Điều này phần nào lý giải mức thanh khoản rất kém sáng nay: Hai sàn chỉ khớp thành công 5.356 tỷ đồng, giảm 2,2% so với phiên trước và tiếp tục xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024. Trong bối cảnh dòng tiền chưa muốn mua vào nhiều, thanh khoản sẽ phụ thuộc vào mức độ quyết liệt của người bán.
Rõ ràng với độ rộng rất kém nhưng biên độ giảm chủ đạo là hẹp, sức ép từ bên bán không mạnh. Điều này gợi nhớ lại các phiên đi ngang lình xình trong 2 tuần qua, cũng chủ yếu do tác động từ phía bán. Nếu nhà đầu tư không xả hàng lớn, ảnh hưởng của các cổ phiếu trụ có thể là một chất xúc tác cần lưu ý.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì cường độ rút vốn đều đặn, sáng nay HoSE bị bán ròng thêm 485 tỷ đồng nữa. Các mã bị bán nhiều khá quen thuộc: FPT -109 tỷ, SSI -36,5 tỷ, VHM -35,7 tỷ, MSN -22,2 tỷ, FRT -22,9 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND -65 tỷ. Bên mua lớn nhất là VPB cũng chỉ chưa tới 19 tỷ đồng ròng.
Kim Phong-Link gốc