Mặc dù các thống kê cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng hàng tỷ USD nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đứng vững. Với 92% giao dịch là từ nhà đầu tư trong nước, điều quan trọng hơn là quan tâm tới dòng vốn này, khi các doanh nghiệp niêm yết có cơ hội lớn sử dụng nguồn lực nội địa...
Ảnh minh họa.
Sau suốt hàng tháng trời bán ra ròng rã mỗi phiên lên đến cả nghìn tỷ đồng, tính từ đầu năm 2024 tới nay, thống kê trên HoSE cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 51.000 tỷ đồng xấp xỉ 2 tỷ USD.
Tổng bán ròng của khối ngoại trong nửa đầu năm 2024 đã gần gấp đôi so với cả năm 2023. Trước đó, năm 2023 khối ngoại bán ròng hơn 22,8 nghìn tỷ đồng.
Top cổ phiếu bị khối ngoại xả ròng nhiều nhất gồm VHM với giá trị xấp xỉ 12.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 9.000 tỷ đồng cổ phiếu bị bán ròng khớp lệnh. Tiếp theo là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị bán ròng hơn 7.200 tỷ đồng. Hai cổ phiếu bluechips khác là VNM và FPT cũng bị bán ròng lần lượt hơn 5.600 tỷ và hơn 5.100 tỷ đồng. Tương tự, giá trị bán ròng mạnh của khối ngoại còn ghi nhận tại loạt cổ phiếu khác như VRE bị bán ròng gần 3.300 tỷ, MSN bị bán ròng 3.200 tỷ, VND bị bán ròng 2.300 tỷ.
Nhận định về động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư FIDT cho rằng không chỉ bán tại thị trường Việt Nam, khối ngoại còn có xu hướng rút ra khỏi nhiều thị trườg lân cận.
Từ đầu năm đến nay, nhóm này bán ròng tại thị trường chứng khoán Thái Lan khoảng 6 tỷ đô, bán ròng tại Việt Nam khoảng 2,3 tỷ USD, trong khi bán ròng tại chứng khoán Trung Quốc lên tới 120 tỷ USD.
Đã có khoảng 500 tỷ USD được hút về các thị trường phát triển trong đó Mỹ chiếm đến 50%, ngoài ra là EU, Hàn Nhật Đài, Ấn Độ. Lý do cũng dễ hiểu, các thị trường chứng khoán phát triển này quy tụ những công ty toàn cầu về công nghệ, công nghiệp, tiêu dùng,... Nền tảng này còn được bồi đắp bởi sự mạnh lên của "'đồng bạc xanh" khi dấu hiệu lạm phát và nền tảng kinh tế Mỹ mạnh.
Một thống kê được thực hiện bởi Chứng khoán Yuanta cho thấy dòng vốn trong khi đang có dấu hiệu rút khỏi Việt Nam và Đông Nam Á, ngược lại đã đổ mạnh vào thị trường Mỹ. Trong tuần giao dịch trước đó, một lượng tiền lớn gần 54,4 tỷ USD được đổ thêm vào các quỹ ETF Mỹ, đặc biệt là quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ dẫn đầu dòng tiền với hơn 46 tỷ USD, lượng huy động ròng nhiều nhất kể từ đầu Q2/2024 đến nay.
Trước đó, dòng tiền đã quay trở lại thị trường Mỹ trong tháng 5 vào 42,3 tỷ USD nhờ lực đẩy từ các nhà đầu tư cá nhân và sự bùng nổ từ nhóm cổ phiếu nhỏ (meme stocks), bên cạnh nhóm Công nghệ. Tính trong 5 tháng đầu năm, các quỹ cổ phiếu thị trường phát triển ghi nhận vào ròng 127,1 tỷ USD.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Tuấn, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến một xu hướng lớn khó có thể đảo chiều trong ngắn hạn. Điển hình là dòng vốn ETF đang hút mạnh hơn hẳn so với Hedge Fund - quỹ phòng hộ, minh chứng rõ nét là sự tăng trưởng vượt bậc của quỹ Fubon Đài Loan.
Trong khi đó, các Hedge Fund tại Việt Nam chưa thực sự mạnh, hoạt động chủ yếu tập trung vào các giao dịch tài trợ (financing deal) cho các bluechip như VIC, MSN, VHM thông qua put option (điều khoản quyền chọn bán), thay vì trở thành nhà đầu tư chiến lược thuần túy. Đây là hệ quả dễ hiểu của một giai đoạn non trẻ và thiếu định vị của các ông lớn ở thị trường Việt khi nhu cầu mở rộng nhanh và cấu trúc vốn không vững, thích dùng đòn bẩy.
"Có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc vốn ngoại thực chất hơn, với lãi suất thấp và sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tương tự như Trung Quốc giai đoạn 2000-2015, khi kinh tế phát triển mạnh mẽ, họ cũng đã hạn chế dòng vốn ngoại để bảo hộ doanh nghiệp nội địa. Nhờ đó, những "ông lớn" như Tencent, Alibaba, BYD mới có cơ hội vươn lên.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt cũng đang chuyển hướng sang sử dụng nguồn lực nội địa nhiều hơn. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn nội của thị trường đang rất tốt. Xu hướng này dự kiến sẽ kéo dài đến đầu quý 4", ông Tuấn nhấn mạnh.
Nói thêm về tâm lý của thị trường trước hoạt động bán ròng của khối ngoại, ông Vicente Nguyen, Giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam nói rằng rất nhiều nhà đầu tư thời gian qua đã lo lắng về việc khối ngoại bán ròng liên tục. Tuy nhiên, sợ nhất là nhà đầu tư cá nhân bán ròng chứ không phải nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vì tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các năm qua giảm liên tục và không còn vai trò quyết định nữa. Thay vào đó, nhà đầu tư cá nhân mới là lực lượng chính trên thị trường chứng khoán.
"Vậy tại sao lại lo lắng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng? Nó cũng như trong Danh mục đầu tư của bạn, bạn không chăm sóc cho mã chiếm hơn 80% danh mục mà cứ chăm chăm theo dõi mã chỉ chiếm dưới 20%. Như vậy có hợp lý không?", ông Vicente nguyễn nói.
Thống kê trên HoSE cho thấy, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài hiện đang chiếm khoảng 8%, còn lại 92% là do nhà đầu tư trong nước.
Link gốc