Không chỉ BOT, Tasco còn mở ra nhiều mảng kinh doanh như phân phối ôtô, bất động sản nghỉ dưỡng, bảo hiểm... Chủ tịch HĐQT Tasco hiện là vị doanh nhân nổi tiếng Vũ Đình Độ.
Ông Vũ Đình Độ hiện là Chủ tịch HĐQT Tasco. Ảnh: DNP.
Sau khi CTCP Tasco Auto công bố về việc sở hữu 100% Công ty TNHH Sweden Auto - đơn vị duy nhất nhập khẩu và phân phối chính hãng xe Volvo tại Việt Nam, nhà phân phối ôtô này đã chính thức nâng mạng lưới showroom trên toàn quốc lên hơn 90 điểm. Đồng thời, tiếp tục duy trì vị thế nhà bán lẻ ôtô lớn nhất Việt Nam với 13,3% thị phần.
Được biết, Tasco Auto tiền thân là Công ty TNHH SVC Holdings - cổ đông lớn nhất nắm 53,66% vốn tại Savico (HoSE: SVC). Hiện Tasco Auto là công ty con do CTCP Tasco (HNX:
HUT) sở hữu 100% vốn.
Thương vụ khởi đầu cho tham vọng giới chủ
SVC Holdings trở thành công ty con của Tasco thông qua giao dịch hoán đổi cổ phần giữa 2 bên diễn ra hồi tháng 9/2023. Trong giao dịch này, Tasco đã phát hành gần 543,9 triệu cổ phiếu
HUT để đổi lấy 543,9 triệu cổ phần của SVC Holdings. Công ty sau đó đã chuyển đổi hình thức từ công ty cổ phần sang công ty TNHH và đổi tên thành Tasco Auto.
Trước thương vụ này, Tasco được mệnh danh là “trùm BOT” với nhiều dự án hạ tầng giao thông, trạm thu phí BOT trên cả nước như tại Quốc lộ 21, Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, Quốc lộ 10 đi Hải Phòng...
Tasco cũng chính là công ty mẹ sở hữu 97,8% vốn tại VETC - đơn vị triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc. Hiện Tasco cho biết đang nắm giữ 70% thị phần ETC trong nước với hơn 3,4 triệu khách hàng Etag.
Ngoài ra, Tasco cũng sở hữu một số dự án bất động sản quy mô vừa tại Hà Nội.
Thay đổi lớn đến với Tasco vào cuối năm 2021 khi nhóm cổ đông mới liên quan ông Vũ Đình Độ xuất hiện. Công ty sau đó đã trải qua cuộc “đại phẫu” nhân sự cấp cao, đáng chú ý nhất là việc ông Phạm Quang Dũng chuyển giao vai trò Chủ tịch HĐQT cho ông Hồ Việt Hà. Đến tháng 4/2022, ông Vũ Đình Độ được bầu giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Cùng với những thay đổi ở thượng tầng lãnh đạo, Tasco cũng đẩy mạnh việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Một mặt công ty đẩy mạnh thoái vốn khỏi các lĩnh vực xây dựng, y tế, mặt khác, Tasco lại chi hàng nghìn tỷ đồng thâu tóm các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối ôtô, bất động sản nghỉ dưỡng, bảo hiểm.
Sau khi thâu tóm SVC Holdings, Tasco đã tái cấu Tasco Land để quản lý hệ thống dự án bất động sản quy mô lớn của doanh nghiệp sau thương vụ hợp nhất. Danh mục này có thể kể tới hệ thống TTTM gồm Savico Megamall Hà Nội, Savico Đà Nẵng, Savico Cần Thơ, Savico Nam Cẩm Lệ, Savico Phổ Quang, Khu dân cư Long Hòa Cần Giờ, dự án Mercure Sơn Trà, tòa nhà 91 Pasteur...
Tasco cũng thâu tóm lượng lớn vốn CTCP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (HoSE: NVT) - chủ đầu tư dự án Sixsences Ninh Vân Bay, Ana Mandara Đà Lạt. Hiện Ninh Vân Bay là công ty con do Công ty TNHH NVT Holdings nắm 94,2% vốn, trong đó Tasco nắm 50% vốn NVT Holdings.
Tháng 9/2022, Tasco thâu tóm thêm Công ty TNHH Bảo hiểm tổng hợp Groupama Việt Nam từ tập đoàn của Pháp và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco.
Hiện tại, Tasco có 6 công ty con nắm 99-100% vốn gồm Tasco BOT (hạ tầng giao thông); VETC (dịch vụ); Ana Services (dịch vụ); Tasco Land (bất động sản); Bảo hiểm Tasco (bảo hiểm) và Tasco Auto (dịch vụ thương mại).
Thông qua 6 công ty con này, Tasco sở hữu gián tiếp hơn 60 công ty con khác và khoảng 13 công ty liên kết ở đa dạng lĩnh vực.
Tiềm lực Tasco đến đâu?
Trước khi thâu tóm SVC Holdings, tổng tài sản của Tasco trong nhiều năm dao động quanh mức 10.000 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chính tập trung vào các dự án hạ tầng và thu phí giao thông.
Tuy nhiên, sau giao dịch hoán đổi với SVC Holdings, Tasco đã ghi nhận bước ngoặt về tình hình tài chính cũng kết quả kinh doanh.
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản hợp nhất của Tasco đạt gần 26.750 tỷ đồng, tức tăng hơn gấp đôi so với trước đó.
Trên báo cáo tài chính công ty mẹ Tasco, tổng tài sản của doanh nghiệp thậm chí đã tăng từ hơn 5.800 tỷ cuối năm 2022 lên hơn 21.000 tỷ cuối năm 2023. Trong đó, phần lớn tài sản tăng thêm nằm ở khoản đầu tư vào công ty con, tương ứng giá trị khoản đầu tư tại SVC Holdings mà công ty hoán đổi.
Báo cáo của Tasco cho biết thông qua giao dịch hoán đổi cổ phần, vốn điều lệ công ty đã tăng thêm 5.439 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận khoản thặng dự vốn cổ phần hơn 9.800 tỷ.
Cùng với việc mở rộng bảng cân đối tài sản, kết quả kinh doanh của Tasco cũng ghi nhận bước ngoặt khi lần đầu đạt doanh thu chục nghìn tỷ.
Cụ thể, năm 2023, ngay khi hợp nhất kết quả kinh doanh của SVC Holdings, Tasco đã ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm liền trước. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do biên lãi gộp mảng phân phối ôtô thấp, cùng với các chi phí phát sinh tăng mạnh khiến lãi sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt hơn 56 tỷ đồng, tương đương 1/3 kết quả năm 2022.
Lãnh đạo Tasco lý giải năm 2023, doanh thu mảng ôtô đóng góp tới hơn 9.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận đã giảm rất mạnh so với năm 2022 do thị trường khó khăn.
Năm nay, Tasco đặt mục tiêu tham vọng với tổng doanh thu dự kiến 24.750 tỷ đồng, tức tăng 2,5 lần và lợi nhuận sau thuế đạt 660 tỷ đồng, cao gấp gần 12 lần năm trước.
Trong đó, lãnh đạo Tasco cho biết mảng ôtô dự kiến mang về 23.000 tỷ đồng, tương đương gần 93% tổng doanh thu. Ngoài ra, công ty cũng lên kế hoạch phát triển dự án lắp ráp ôtô (CKD), dự kiến ra sản phẩm vào năm 2025.
Tuy vậy, trong quý đầu năm nay, Tasco mới ghi nhận 5.183 tỷ đồng doanh thu thuần và báo lãi sau thuế 32 tỷ. Dù đã tăng hàng chục lần so với cùng kỳ quý I/2023, kết quả này mới tương đương 21% mục tiêu doanh thu và hoàn thành chưa đầy 5% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Trong năm 2023, Tasco cũng ghi nhận xu hướng tăng mạnh các khoản vay nợ, tập trung chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Đến cuối năm, công ty còn số dư vay nợ trên 8.200 tỷ đồng (cả ngắn và dài hạn), tăng 70% so với một năm trước.
Báo cáo Tasco cho biết năm 2023 công ty đã phát sinh tăng số dư vay ngắn hạn gần 6.200 tỷ đồng cùng hơn 3.600 tỷ đồng vay từ việc hợp nhất kinh doanh. Ngược lại, công ty đã trả gần 6.800 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn trong năm, dẫn đến số dư vay ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2023 là 3.320 tỷ đồng, cao gấp 12 lần cuối năm 2022.
Trong khi đó, số dư nợ vay dài hạn đến cuối năm 2023 của công ty này là hơn 4.900 tỷ đồng, tăng khoảng 350 tỷ so với đầu năm.
Tuy vậy, Tasco đánh giá toàn bộ số dư nợ vay này đều là nợ tốt và công ty có khả năng trả nợ toàn bộ.
Đến cuối tháng 3 năm nay, số dư nợ vay của công ty này vẫn ở mức gần 8.600 tỷ đồng, trong đó khoảng 3.100 tỷ đồng là vay ngắn hạn và còn lại là vay dài hạn.