Trong quý II, thị trường bất động sản Hà Nội không có nguồn cung căn hộ mới giá dưới 45 triệu đồng/m2. Kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp căn hộ bình dân (hạng C) giảm 45%, theo nghiên cứu của Savills Việt Nam.
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý II ở Hà Nội của Savills Việt Nam cho thấy, nguồn cung mới phân khúc căn hộ không có sản phẩm nào dưới 45 triệu đồng/m2. Nguồn cung mới giảm 34% theo quý và 25% theo năm với 2.697 căn. Các giai đoạn tiếp theo của 7 dự án hiện tại đã cung cấp 2.637 căn tương đương 98% thị phần, 2% còn lại đến từ The Gloria by Silk Path. Nguồn cung sơ cấp với 10.317 căn giảm 20% theo quý và 49% theo năm.
Savills cho biết, kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp hạng C (nhà ở bình dân) đã giảm 45% mỗi năm. Trong tương lai, phân khúc này sẽ đóng góp 25% nguồn cung.
"TP. Hà Nội ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra nhu cầu BĐS trước mắt và nền tảng tăng trưởng lâu dài. Các dự án trọng điểm có thể mở ra các lựa chọn nhà ở giá phải chăng tại khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận", Savills Việt Nam cho hay.
Thị trường BĐS Hà Nội không có nguồn cung mới căn hộ giá dưới 45 triệu đồng/m2. Ảnh: Trọng Hiếu
Do nguồn cung mới hạn chế nên giá căn hộ mới tiếp tục tăng. Cụ thể, Số lượng căn bán được đạt 5.085 căn, giảm 4% theo quý nhưng tăng 104% theo năm. Hạng B chiếm 96% số lượng căn bán được. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ 59%.
Giá sơ cấp đạt 65 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 24% theo năm. "Kể từ năm 2020, giá sơ cấp trung bình tăng 18% mỗi năm, trong khi giá thứ cấp tăng 14% mỗi năm", Savills Việt Nam nhấn mạnh.
Không những vậy, giá sơ cấp tăng cùng với nguồn cung sơ cấp giảm tạo điều kiện cho giá thứ cấp tăng. Các sản phẩm thứ cấp phần lớn đã sẵn sàng để ở, có đầy đủ pháp lý.
Nửa cuối năm, thị trường Hà Nội sẽ có 8 đợt mở bán mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp 13.460 căn hộ hạng B. Nguồn cung mới hạng A, C sẽ không có. Khu vực Nam Từ Liêm, Hà Đông và Gia Lâm sẽ cung cấp 93% thị phần. Từ năm 2025 trở đi, Hà Nội sẽ có gần 100.000 căn từ 105 dự án sẽ được đưa ra thị trường.
Các dự án lớn trong tương lai bao gồm Vinhomes Cổ Loa (385 ha), Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (272 ha) và Vinhomes Wonder Park (133ha). Các dự án này đều đến từ các chủ đầu tư có tên tuổi, thương hiệu, sẽ đóng góp 40% nguồn cung tương lai.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, triển vọng của thị trường BĐS Hà Nội dựa trên sự gia tăng tài sản cá nhân và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Cơ sở hạ tầng cải thiện đã thúc đẩy cho sự phát triển của các dự án quy mô lớn lân cận.
Trong khi đó, Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) chia sẻ, kể từ năm 2018 đến nay, chính sách liên quan đến nguồn vốn cùng các quyết định của cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường BĐS khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm nghiêm trọng. Nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, gây áp lực lên nguồn cung, thúc đẩy giá BĐS liên tục thiết lập mặt bằng mới. Nhất là phân khúc căn hộ chung cư tại Hà Nội.
"Giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng hàng chục quý liên tiếp. Chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tại thời điểm quý I đã tăng 48% so với quý I/2019 và tăng 8 điểm % so với quý IV/2023 - mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua", ông nói.
Ông Đính cho rằng, giá căn hộ ở Hà Nội tăng là do cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện, kéo giá trị BĐS tăng tỷ lệ thuận với đầu tư. Nhưng việc chỉ đầu tư một mà lại tăng đến 3-4 lần là bất hợp lý. Đồng thời, thị trường Hà Nội quá thiếu nguồn cung, khan hiếm nguồn hàng.
"Từ nay đến năm 2025, trung bình mỗi năm, Hà Nội thiếu hụt khoảng 50.000 căn hộ. Trong khi số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới liên tục sụt giảm và thị trường cũng đã vắng bóng hoàn toàn các căn hộ giá bình dân", ông cho hay.
Vị Chủ tịch VARS nhận định, giá chung cư Hà Nội sẽ có điểm điều chỉnh, nhưng không nhiều. Để giá chung cư ổn định, cần có sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và các chủ thể tham gia trên thị trường.
Nhà phố, biệt thự kém sôi động nhưng giá vẫn tăng
Trái ngược với sự sôi động của căn hộ chung cư, báo cáo của Savills Việt Nam chỉ ra, phân khúc nhà phố, biệt thự có hoạt động không nhiều cải thiện.
Nguồn cung mới đạt 128 căn, tăng 38% theo quý nhưng giảm 2% theo năm. Nguồn cung mới đền từ 2 dự án hiện hữu ở Hà Đông là dự án An Quý Villa với 54 căn biệt thự và Solasta Mansion với 51 căn biệt thự, trong khi An Lạc Green Symphony ở Hoài Đức có 12 căn liền kề mới và Him Lam Thường Tín có 11 căn nhà phố mới.
Tình hình hoạt động của phân khúc nhà phố, biệt thự. Ảnh: Savills
Nguồn cung sơ cấp đạt 608 căn từ 16 dự án, giảm 9% theo quý và 24% theo năm. Biệt thự là loại hình chiếm ưu thế với 39% nguồn cung sơ cấp do có nguồn cung mới trong quý II.
Bên cạnh đó, số lượng giao dịch trong quý II của phân khúc này giảm 40% theo quý nhưng tăng 5% theo năm, đạt 111 căn, và tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ đạt 18%. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ đạt 48%, giảm 15 điểm % theo quý và 3 điểm % theo năm.
Phần lớn, các giao dịch sơ cấp được ghi nhận ở quận Hà Đông với 61%, nhờ các dự án cơ sở hạ tầng sắp hoàn thiện như đường Lê Quang Đạo dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV/2024. Quận Hoàng Mai và huyện Hoài Đức theo sau với 14% và huyện Thường Tín có 9%.
Đáng chú ý, nguồn cung biệt thự của các dự án có giá cao dẫn đến giá sơ cấp biệt thự tăng 9% theo quý lên 178 triệu đồng/m2. Giá liền kề giảm 2% theo quý xuống 188 triệu đồng/m2 do nhiều căn giá cao đã được bán và chỉ còn những căn giá thấp. Giá nhà phố tăng 3% theo quý lên 288 triệu đồng/m2 do thiếu các sản phẩm giá rẻ và thiếu sự điều chỉnh giá.
Giá bán sơ cấp vẫn duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường thứ cấp. Giá bán thứ cấp biệt thự thấp hơn giá sơ cấp 8%, trong khi giá liền kề thấp hơn 5%.
Nửa cuối năm, thị trường Hà Nội sẽ có 13 dự án cung cấp 2.951 căn, đa số ở Đông Anh với 34% nguồn cung tương lai, Hà Đông theo sau với 19% và Hoài Đức với 16%.
Link gốc