Phú Yên đang vào mùa khai thác mủ cao su. Nếu như các năm trước như năm 2023 giá mủ cao su tươi chỉ bán được với giá 270-280đ/độ mủ (tương đương 8-10 triệu đồng/tấn), thì hiện tại các đại lý, công ty kinh doanh cao su đang thu mua với giá 380-390 đồng/độ mủ (12 triệu đồng/tấn). Thời tiết nắng ráo, giá mủ cao su tăng cao, việc khai thác thuận lợi, người trồng cao su tại các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên rất phấn khởi.
Giá mủ cao su tăng gần gấp đôi, người nông dân huyện miền núi Sông Hinh, Phú Yên có thu nhập cao.
Ông Ksiu Thắng ở buôn Hà Roi, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh trồng được 2 ha cao su đang kỳ khai thác mủ, mỗi ngày thu và bán được 700-800 ngàn đồng.
Theo ông Ksiu Thắng, vụ thu hoạch trong năm khoảng 5 tháng, vụ này nhà ông có nguồn thu khá từ khai thác mủ cao su. “Đất ở đây phù hợp với cây cao su, nhờ thu hoạch, khai thác mủ cao su mà gia đình tôi cũng có thu nhập ổn định, đời sống kinh tế gia đình phát triển.”, ông KSiu Thắng nói.
Một điểm thu mua mủ cao su ven đường vào trung tâm xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, Phú Yên.
Đồng chí Nay Y Sét, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sông Hinh, cho biết, trước đây, xã Sông Hinh chỉ trồng sắn, lúa và các loại cây có hạt; thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi xã Sông Hinh đã vận động người dân trồng được 390 ha cao su. Nhờ đất đai thổ nhưỡng thích hợp, cây cao su phát triển tốt, đến nay đã có 230 ha đến kỳ khai thác mủ. Giá mủ cao su tăng cao, người dân có thu nhập ổn định.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sông Hinh Nay Y Sét, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 4,56%, thu nhập nâng lên mức 47 triệu/năm, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 90%, cơ sở điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nhà văn hóa, các công trình phúc lợi dân sinh ngày càng hoạt động có hiệu quả cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân; có 5/5 thôn, buôn có đường bê tông, thảm nhựa đến trung tâm xã; có 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, có 100% dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh, có trên 90% số hộ dùng điện thoại, xe máy, ti vi. Các phong trào chỉnh trang nhà cửa, tường rào, đường làng ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường, thi đua lao động sản xuất được xem là trọng tâm để phát triển kinh tế góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân xã Sông Hinh cách cạo mủ cao su.
Trở lại với hiệu quả trồng cây cao su, theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh, hiện tại toàn huyện có 3.750 ha. So với hai năm trước, diện tích cao su giảm 250-300 ha. Nguyên nhân do thời gian gần đây cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao hơn, người dân tự chặt phá, thanh lý cây cao su để trồng cây sầu riêng.
Cụ thể Xã Ea Bar, huyện Sông Hinh là một trong những địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất tỉnh Phú Yên (1.687 ha). Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, đã có hơn 200 ha cây cao su bị phá bỏ để trồng sầu riêng.
Sự bất cập này dẫn đến hệ lụy khác. Được biết, trên địa bàn huyện Sông Hinh hiện có 3 cơ sở thu mua và chế biến mủ cao su gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Đặng Gia, Công ty trách nhiệm hữu hạn cao su Việt Hùng và cơ sở thu mua Cao Phú. Các cơ sở này thu mua và tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng mủ cao su trên địa bàn huyện Sông Hinh.
Tuy nhiên, trong thời gian gây đây, khi diện tích cây cao su bị chặt phá hàng loạt, các doanh nghiệp này thiếu nguyên liệu hoạt động, gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Điểm thu mua mủ cao su đang thử độ mủ để trả tiền cho người bán.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Đặng Gia cho biết: “Đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi chỉ thu được 16 tấn mủ nước/ngày. Công suất nhà máy chỉ hoạt động được 25%. Để duy trì, chúng tôi buộc phải có giải pháp đi thu mua mủ ở các tỉnh lân cận như Gia Lai, Đắk Lắk, phát sinh các chi phí vận chuyển khác, khiến cho hiệu quả hoạt động không cao. Nếu diện tích cao su tiếp tục bị chặt phá như hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi rất khó khăn trong hoạt động”.
“Hiện nay, giá mủ cao su đang tăng trở lại, mủ tươi là 380-390 đồng/độ cao hơn thời điểm năm 2023 gần gấp đôi. Chúng tôi mong rằng, chính quyền địa phương cần có những giải pháp mạnh mẽ để giữ vùng nguyên liệu giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời hạn chế rủi ro cho người dân trong thời gian tới”, bà Nhung đề nghị.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh cho biết, thực tế gần đây có hiện tượng người trồng tự chặt phá, thanh lý cây cao su. Vì những năm trước giá mủ cao su thấp và nhiều hộ dân chạy theo phong trào trồng cây sầu riêng để có giá trị kinh tế cao.
Xã EaBar, huyện Sông Hinh có diện tích cao su lớn nhất tỉnh Phú Yên 1687 ha.
Tuy nhiên, "huyện Sông Hinh vẫn xem cây cao su là cây chủ lực của địa phương. Đến năm 2030, toàn huyện phấn đấu đạt diện tích diện tích 4.500 ha. Huyện xác định cao su vẫn là cây công nghiệp có giá trị góp phần xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Huyện khuyến cáo người dân không vội vàng thanh lý cây cao su, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp các xã có diện tích cây cao su cần có biện pháp vận động, định hướng cho người dân.” ông Đinh Ngọc Dạn nói.
Link gốc