Với vị thế thị trường nổi bật và mạng lưới cửa hàng rộng khắp, các chuỗi bán lẻ bách hóa đang đóng vai trò then chốt dẫn dắt triển vọng dài hạn của mã cổ phiếu MSN và MWG.
Mảnh đất màu mỡ cho chuỗi bách hóa hiện đại
Theo dự báo của Euromonitor, giá trị thị trường bán lẻ bách hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) 2,8% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2028, giảm 28 điểm cơ bản so với tỷ lệ CAGR giai đoạn 2017-2022. Nguyên nhân mức tăng trưởng chững lại là tỷ lệ tiêu thụ hàng tạp hóa trên đầu người tại Việt Nam đã đạt đến mức giới hạn (khoảng 30% thu nhập).
Tiêu thụ hàng tạp hóa ở Việt Nam tính theo đầu người. Nguồn: VDSC
Mặc dù khả năng tăng trưởng quy mô thị trường thấp, ông Nguyễn Hưng – Chuyên viên Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, làn sóng gia nhập thị trường bán lẻ tạp hóa từ cả chuỗi hàng tạp hóa trong nước và nước ngoài trong những năm gần đây (Go!, Aeon, BigC, Winmart, Bách Hóa Xanh...) là rất cao. Sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng sang các kênh hiện đại thay chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, hàm ý thị trường bán lẻ tạp hóa của Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ hiện đại.
Hiện, thị phần cửa hàn, chuỗi bách hóa hiện đại đang chiếm thị phần khoảng 12%, cho thấy sụ phát triển của ngành Bán lẻ bách hóa hiện đại ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa, tiềm năng tăng trưởng của Ngành trong những năm tới là rất lớn, có nhiều cơ hội để phát triển.
Điểm tên cổ phiếu sáng giá
Ở Việt Nam, hiện nay có hai chuỗi cửa hàng bách hóa bán lẻ nổi bật nhất là Bách hóa xanh của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã
MWG – sàn HOSE) và Winmart của Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (mã
MSN – sàn HOSE).
Nếu nhìn lại giai đoạn trước khi tái cấu trúc của hai chuỗi này, cả Winmart và Bách hóa xanh ghi nhận khoản lỗ khổng lồ 20.451 tỷ đồng và 8.077 tỷ đồng, tương đương với biên lợi nhuận ròng lần lượt là âm 24,3% và âm 8,6%. Trong bối cảnh "đốt tiền" chỉ để giành được 1-2% thị phần với trải nghiệm khách hàng kém và gánh nặng chi phí khổng lồ ngay cả sau 5-7 năm hoạt động, cả
MSN và
MWG đã tích cực triển khai các kế hoạch tái cấu trúc của mình.
Kết quả kinh doanh hàng năm của Bách hóa xanh và Winmart. Nguồn: VDSC
Các kế hoạch này bao gồm đóng cửa hoàn toàn các cửa hàng không hiệu quả, tái cấu trúc hoàn toàn các SKUs (ưu tiên các mặt hàng có biên lợi nhuận cao mà vẫn đảm bảo chất lượng và tối ưu hóa chi phí lưu kho, giảm hủy hàng), thiết kế lại bố cục cửa hàng (giới thiệu hình ảnh mới và kích thước cửa hàng nhỏ hơn để giảm chi phí thuê), và cải thiện hệ thống logistics và kho bãi.
Theo đại diện của
MWG và
MSN, các chuỗi cửa hàng bách hóa này đã hoàn thành thành công các kế hoạch tái cấu trúc trong năm 2023, ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực.
Mặc dù số lượng cửa hàng hiện tại ít hơn so với trước khi tái cấu trúc, thị phần vẫn tăng và doanh thu vững chắc trên mỗi cửa hàng trong giai đoạn 2021-2023. Điều này cho thấy hiệu quả được cải thiện trong việc thu hút lượng khách hàng lớn hơn và đạt tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn.
Đến nay, biên ròng của cả 2 thương hiệu dần đạt đến điểm hòa vốn, nhờ vào doanh thu được cải thiện trên mỗi cửa hàng và tối ưu hóa chi phí (biên gộp, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu ròng tốt hơn).
Điểm khác biệt chính giữa Bách hóa xanh và Winmart so với các chuỗi bán lẻ hiện đại khác là cách tiếp cận tiên phong trong việc thiết lập mạng lưới rộng lớn các mô hình siêu thị mini mở rộng vào cả khu vực đô thị và nông thôn. Chiến lược này giúp tăng cường điểm tiếp xúc với người tiêu dùng, định vị chuỗi là những người dẫn đầu tiềm năng trong tăng trưởng doanh số trong thị trường bán lẻ bách hóa.
Nhìn chung, nhờ vào vị thế thị trường nổi bật và mạng lưới cửa hàng rộng khắp, cùng với tiềm năng cải thiện chi phí đáng kể dựa trên tham khảo các chuỗi châu Á đi trước, các chuỗi này đang đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình tăng trưởng dài hạn của
MSN và
MWG.