Chuyên gia cho rằng để quản lý tốt thị trường vàng, cần minh bạch hoá giao dịch vàng thông qua hoá đơn điện tử để ngăn trốn doanh thu và siết chặt các quy định phòng chống rửa tiền...
Tại tọa đàm "Ngăn chặn nguy cơ vàng hóa nền kinh tế" do Tạp chí Kinh tế/VnEconomy tổ chức, các chuyên gia đã cảnh báo vấn đề phòng, chống rửa tiền thông qua giao dịch vàng.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Nghị định 24 quy định các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải niêm yết giá và thực hiện theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Luật Phòng, chống rửa tiền cũng quy định mỗi giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên đều phải báo cáo cơ quan chức năng để ghi nhận thông tin. Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử yêu cầu tất cả các giao dịch vàng phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử liên kết với cơ quan thuế.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW phát biểu tại tọa đàm "Ngăn chặn nguy cơ vàng hóa nền kinh tế". Ảnh: Việt Dũng.
Chính phủ mới đây ban hành Nghị định 52 về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định 10 trước đây. Nghị định này đề ra nhiều biện pháp đối với các công ty trung gian thanh toán và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng hay các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt để hỗ trợ phòng, chống rửa tiền.
Theo các chuyên gia, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC, ghi nhận nhiều trường hợp xếp hàng thay mua vàng. Để hạn chế việc xếp hàng gây mất an ninh trật tư, các đơn vị chỉ bán vàng cho người đăng kí đủ thông tin trên hệ thống trực tuyến. Dù vậy, tình trạng mua hộ vàng cùng giao dịch vàng trao tay trên thị trường “chợ đen” lại bùng phát.
"Điều đó cho thấy số lượng người giao dịch vàng không công khai thông tin cá nhân hoặc số lượng vàng muốn mua chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đây là điểm mờ trong phòng chống rửa tiền và gian lận thuế, cần phải siết chặt quản lý", một chuyên gia nói với phóng viên.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), những hành vi này của các đối tượng có dấu hiệu bất minh.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) phát biểu tại tọa đàm "Ngăn chặn nguy cơ vàng hóa nền kinh tế". Ảnh: Việt Dũng.
Theo ông Phụng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực và tham nhũng. Nhiều vụ đại án đã được phát hiện thông qua các giao dịch ngân hàng. Nếu giao dịch vàng bằng tiền mặt mà không có hóa đơn, chứng từ thì sẽ trở thành một hướng tiếp cận mới cho các hành vi bất minh, bất hợp pháp. "Những người đứng xếp hàng mua vàng hộ thực tế đang tiếp tay cho các hoạt động phi pháp", ông Phụng nhấn mạnh.
Các chuyên gia đồng tình rằng cần quản lý tốt thị trường vàng để phòng, chống hoạt động kinh tế ngầm, giao dịch bất hợp pháp và rửa tiền. Nhà nước cần sử dụng công cụ như hóa đơn và thanh toán không dùng tiền mặt để tăng cường tính minh bạch. Máy tính của các cửa hàng cần kết nối với cơ quan thuế để sẵn sàng xuất hóa đơn sau mỗi giao dịch, ngăn chặn kẻ xấu rửa tiền thay cho người khác.
Theo TS. Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cần có cách tiếp cận toàn diện hơn đối với vấn đề mua bán vàng.
Theo đó, việc chỉ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và hóa đơn vàng là chưa đủ. Trong dài hạn, mọi công dân có thu nhập cần phải kê khai một cách minh bạch để phát hiện các hành vi sở hữu chéo hoặc việc nhờ người khác mua hộ vàng.
"Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ tiền mặt trong nền kinh tế trên tổng phương tiện thanh toán (M2) từ 9% đến 11% trong khi M2 khoảng 1,4 đến 1,6 triệu tỷ đồng. Việc nhờ người khác mua hộ vài lượng vàng, nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, vẫn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, vẫn cần có mức trần nhất định cho việc mua bán vàng. Chỉ khi tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán rất thấp, chúng ta mới có thể kiểm soát hiệu quả vấn đề rửa tiền", ông Hoè nói.
Cũng theo TS. Phạm Xuân Hoè, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ban, ngành để kiểm soát những giao dịch bất minh là một quá trình dài hơi, không thể thực hiện ngay lập tức. Việc xác định bộ, ban, ngành nào sẽ chịu trách nhiệm tích hợp toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế là rất quan trọng. Cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và việc làm sạch dữ liệu là một thách thức không nhỏ. Hơn nữa, việc các bên sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cũng là một vấn đề cần được lưu ý.
Ngoài ra, ông Hoè cũng nhấn mạnh công cụ thuế đóng vai trò quan trọng. Mặc dù mức động viên thuế là một yếu tố, nhưng thông qua hoạt động quản lý thuế, có thể xác định được các đối tượng giao dịch, bao gồm người mua, người bán, số lượng và thời gian mua. Những dữ liệu này sẽ góp phần vào cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia, giúp quản lý xã hội tốt hơn. Thuế chỉ là một trong nhiều công cụ, cùng với các biện pháp khác, góp phần vào việc quản trị xã hội hiệu quả hơn.
Huỳnh Dũng-Link gốc