Dòng tiền đổ vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc đang khiến giá trái phiếu tăng trong khi lợi suất trái phiếu giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Kiểm đồng 100 Nhân dân tệ tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều này diễn ra giữa bối cảnh các nhà đầu tư tìm kiếm giải pháp thay thế an toàn hơn trước sự đi xuống của thị trường bất động sản và biến động trên thị trường chứng khoán.
Phiên 1/7, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giảm xuống 2,18%, mức thấp nhất kể từ năm 2002. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 20 năm và 30 năm cũng đang dao động quanh mức thấp lịch sử. Lợi suất trái phiếu thường giảm khi giá trái phiếu tăng.
Lãi suất đi vay thấp hơn sẽ được hoan nghênh khi Trung Quốc nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau sự sụt giảm của thị trường bất động sản, niềm tin kinh doanh và tình trạng trì trệ của chi tiêu tiêu dùng. Nhưng sự biến động mạnh của thị trường trái phiếu đang làm dấy lên đồn đoán về nguy cơ bong bóng và gây quan ngại cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, những người lo ngại một cuộc khủng hoảng tương tự như sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) năm ngoái ở Mỹ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đã đưa ra hơn 10 cảnh báo riêng biệt kể từ tháng Tư về nguy cơ bong bóng trái phiếu có thể vỡ, gây bất ổn cho thị trường tài chính và làm chệch hướng quá trình phục hồi không đồng đều của nền kinh tế.
Tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải cuối tháng trước, Thống đốc PBoC Phan Công Thắng cho biết vụ SVB tại Mỹ đã giúp PBoC rút ra bài học rằng ngân hàng trung ương cần quan sát và đánh giá tình hình thị trường tài chính trên góc độ thận trọng.
Thống đốc PBoC lưu ý cần phải chú ý đến rủi ro lãi suất liên quan đến việc một số tổ chức phi ngân hàng nắm giữ một lượng lớn trái phiếu trung và dài hạn. Những thực thể này bao gồm các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các công ty tài chính khác.
Người dân tập trung bên ngoài trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở bang California, Mỹ ngày 13/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN
*Bài học từ SVB
Sự sụp đổ của SVB là vụ phá sản lớn nhất của một ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của SVB là do ngân hàng này đã đầu tư hàng tỷ USD vào trái phiếu Chính phủ Mỹ. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, giá trái phiếu mà SVB nắm giữ sụt giảm, làm xói mòn tình hình tài chính của ngân hàng này.
Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nếu không cắt được "cơn sốt" trái phiếu. Giá trái phiếu tại Trung Quốc đã tăng nhanh kể từ đầu năm nay khi các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản này trước triển vọng kinh tế thiếu chắc chắn. Các doanh nghiệp cũng vay mượn ít hơn, khiến các ngân hàng dư thừa tiền mặt và họ phải tìm kênh để gửi tiền.
Nhà kinh tế Larry Hu từ tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie Group nhận định nhu cầu tín dụng yếu do những vấn đề trên thị trường bất động sản khiến các ngân hàng phải mua thêm trái phiếu khi tiền mắc kẹt trên thị trường liên ngân hàng.
Công ty môi giới quốc doanh Zheshang Securities ước tính trong nửa đầu năm nay, lượng mua ròng trái phiếu chính phủ của các tổ chức tài chính, chủ yếu là của các ngân hàng khu vực, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 1.550 tỷ NDT (210 tỷ USD).
Tương tự như SVB, các tổ chức tài chính Trung Quốc đã đầu tư một lượng đáng kể vào trái phiếu chính phủ dài hạn, khiến họ dễ bị tổn thương trước những thay đổi lãi suất đột ngột.
Lãi suất chính thức ở Trung Quốc đang ở mức thấp sau khi PBoC cắt giảm lãi suất trong những năm gần đây nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Sức ép giảm phát vẫn tồn tại với giá tiêu dùng tăng ít hơn dự kiến trong tháng Năm và giá sản xuất giảm tháng thứ 20 liên tiếp.
*Rủi ro kinh tế
Sự sụt giảm nhanh của lợi suất trái phiếu Trung Quốc cũng gây ra rủi ro đáng kể cho nền kinh tế. Lợi suất giảm có thể làm gia tăng chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến dòng tiền chảy khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gây áp lực lên đồng NDT.
Theo ông Hu, dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc trong tháng Tư đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2016, phần lớn là do khoảng cách lợi suất giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Trà My-Link gốc