Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (nhất là khu vực Đông Nam Bộ) vẫn đang đối mặt những chông gai phía trước, từ khó khăn thị trường, chật vật với đơn hàng mới, chi phí lên cao, cho đến áp lực cạnh tranh, tăng giá cước, các tiêu chuẩn xanh, bất cập hạ tầng logistics…Để có sự “chuyển mình ” trong xuất khẩu đòi hỏi nhiều việc phải làm từ bản thân doanh nghiệp cho các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong vùng này.
Ghi nhận ở tỉnh Đồng Nai cho thấy các doanh nghiệp (DN) dệt may đang chật vật trong tìm, nhận đơn hàng mới, phải cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng với đối tác trong 5 tháng cuối năm nay.
Lắm chông gai phía trước
Bởi vì, giá nguyên liệu đầu vào gần đây liên tục tăng từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, các chi phí khác như: Điện, công lao động, vận tải cũng tăng, đẩy giá thành của sản phẩm lên cao. Trong khi đó, các khách hàng chỉ đồng ý mua sản phẩm với giá cũ hoặc tăng rất ít.
Để các DN trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có sự “chuyển mình” XK thì việc cần làm là xây dựng những trung tâm logistics một cách bài bản hơn nữa.
Việc này dẫn đến lợi nhuận của DN sản xuất bị thu hẹp, có đơn hàng nếu ký kết sẽ bị thua lỗ. Vấn đề trên không chỉ với riêng ngành dệt may, mà một số ngành hàng xuất khẩu (XK) lớn khác ở Đồng Nai cũng đang gặp phải.
Còn tại tỉnh Bình Dương, một dữ liệu mới đưa từ Cục Thống kê tỉnh này thể hiện trong 422 DN thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia khảo sát, chỉ có 38,8% DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của ngành trong quý 3/2024 sẽ tốt hơn quý 2/2024.
Ngoài ra, có 22,2% DN ở Bình Dương dự báo tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn và có 39% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định như quý trước. Đồng thời, có 32,6% DN dự báo số lượng đơn hàng mới sẽ tăng, 43,8% DN dự báo ổn định như trong quý 2/2024 và có 23,6% DN dự báo tiếp tục giảm.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ghi nhận thời gian gần đây cho thấy các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thị trường XK, đơn hàng sụt giảm vì nhu cầu tiêu dùng giảm. Để đẩy mạnh XK, các DN đang cố gắng khai thác thị trường gần như Trung Quốc, các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này cũng nhằm tránh giá cước vận tải biển sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông tăng trung bình khoảng 30% trong nhiều tháng qua và dự kiến sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới.
Riêng tại Tp.HCM, hôm 30/7, Hiệp hội DN Tp.HCM (Huba) khi tổ chức sơ kết nửa đầu năm nay đã chỉ rõ tình trạng các DN vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm việc tăng giá cước vận tải biển.
Kết quả khảo sát về khó khăn của DN hồi quý 2/2024 vừa qua của Huba đã chỉ rõ có đến 50% DN gặp khó vì thiếu đơn hàng mới. Nói chung là các DN đang gặp khó vì thiếu thị trường do nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Không chỉ vậy, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM, các DN xuất khẩu đang bị vướng với các hàng rào thuế quan, chính sách bảo hộ của các nước, do đó, cần có chính sách hỗ trợ tháo gỡ.
Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, cho rằng trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động, hoạt động XK theo dự báo tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức và xu hướng bảo hộ thương mại, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu về tiêu chuẩn “xanh”, “bền vững” ngày càng khắt khe.
Còn nhiều việc phải làm
Tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 31/7, ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết gần đây nhiều DN xuất khẩu phản ánh là họ cần nhiều hơn nữa những thông tin cập nhật về dữ liệu thị trường. Mặt khác, điều lưu tâm là kế hoạch chuyển đổi xanh cho xúc tiến XK trong thời gian tới rất cần các địa phương trong vùng quan tâm nhiều hơn.
Theo ông Phú, câu chuyện chuyển đổi xanh đã được nói đến từ 3 - 4 năm trở lại đây, tuy nhiên khi làm việc với các DN xuất khẩu thì phần nhiều trong số đó còn đang loay hoay là chưa biết chuyển đổi bắt đầu từ đâu và như thế nào. Trong khi đó, trên thế giới, người ta đang triển khai rất mạnh mẽ (nhất là từ các siêu thị, như ở Mỹ đang yêu cầu về sản phẩm có chứng nhận organic, chứng nhận xanh). Vậy thì trong vùng phải làm như thế nào, nhất là trong câu chuyện gắn với xúc tiến thương mại, gắn với xúc tiến XK xanh.
Còn theo đề nghị của ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đó là các DN trong vùng Đông Nam Bộ cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa XK. Các địa phương trong vùng cần thực hiện tốt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Ông Sơn cho biết ở 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ có nhiều thế mạnh trong các mặt hàng XK chủ lực, nhưng điều quan trọng là cần đảm bảo chất lượng hàng hóa. Như với XK ở ngành hàng nông sản đòi hỏi cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi lẽ chúng ta đã chứng kiến tình trạng sầu riêng nhiễm chất.
Bên cạnh đó, vị Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị các DN trong vùng Đông Nam Bộ cần chú trọng phát triển thương hiệu khi XK. Các địa phương trong vùng cũng cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho mặt hàng nông sản có thế mạnh.
Ngoài ra, ông Sơn nhấn mạnh các DN ở vùng nên đa dạng hóa thị trường XK và phát triển thị trường ngách, nhắm vào những thị trường từng khó thâm nhập (như thị trường Trung Đông).
Trong bối cảnh các phí, cước tăng cao, vị cục trưởng này cũng đề nghị Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội DN logistics Tp.HCM cần hỗ trợ cho các DN xuất khẩu trong vùng về cước, phí, cũng như giải phóng nhanh các container rỗng, và ưu tiên những mặt hàng có tính thời vụ để phục vụ tốt hơn cho XK.
Để các DN trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có sự “chuyển mình” XK, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Tp.HCM, nhấn mạnh điều mà vùng này cần làm là giải quyết vấn đề hạ tầng logistics. Nếu hạ tầng giao thông trong vùng phát triển hoàn chỉnh, thời gian di chuyển càng nhanh thì việc thúc đẩy vận chuyển hàng hóa cũng sẽ nhanh hơn. Điều đó giúp kéo giảm chi phí logistics cho DN.
Như lưu ý của bà Phương, trong vùng Đông Nam Bộ vẫn còn thiếu hệ thống hạ tầng kho lạnh, những kho bãi và chi phí đầu tư cho hạ tầng này khá cao, trong khi lợi nhuận lại rất thấp, nên các DN chưa đầu tư quy mô bài bản. Vì thế, Chính phủ cần phối hợp với các địa phương trong vùng để xây dựng những trung tâm logistics được đầu tư bài bản hơn nữa.
Thế Vinh-Link gốc