• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.239,26 -12,45/-0,99%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.239,26   -12,45/-0,99%  |   HNX-INDEX   230,84   -1,58/-0,68%  |   UPCOM-INDEX   92,57   -0,38/-0,41%  |   VN30   1.281,37   -12,93/-1,00%  |   HNX30   498,07   -6,06/-1,20%
17 Tháng Chín 2024 3:34:42 SA - Mở cửa
Làm gì để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt không bị ‘lép vế’ trong chuỗi cung ứng mới?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 15/08/2024 8:47:56 SA

Để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt không bị lép vế trong chuỗi cung ứng mới ngay trên “sân nhà” và trên thị trường toàn cầu thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Vấn đề không chỉ ở năng lực sản xuất, cạnh tranh giá cả, mà còn cần tự chủ nguyên vật liệu, đạt tiêu chí tái chế, tăng mức độ liên kết với khối FDI, hỗ trợ đầu tư, thêm chính sách ưu đãi…

Dẫn chứng cho khó khăn của các doanh nghiệp (DN) Việt khi chưa đủ năng lực để thay thế DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ ngành đồ gỗ nội thất, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa), kể rằng có một thương hiệu rất nổi tiếng ở Mỹ đang dẫn đầu mua hàng ở Việt Nam với trị giá mỗi năm 300 triệu USD. Thế nhưng gần như không có DN nào của Việt Nam đủ sức cung ứng cho họ mà chủ yếu là các DN Đài Loan (Trung Quốc). 

Khó tránh những bất lợi

Ông Khanh kể lại, có một đối tác nước ngoài tâm sự với ông là sau hai mươi mấy năm làm ăn ở Việt Nam nhưng họ chưa bao giờ làm với một DN Việt nào mà chỉ làm với các DN FDI. Trong khi thực tế là một số DN FDI này lại đi đặt hàng với chính các DN Việt.

Sự tham gia mạnh của các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu cần được cải thiện rõ nét hơn nữa.

Sau đó, ông Khanh có dẫn đối tác đi thực tế tại một số cơ sở sản xuất của DN Việt thì đối tác này đã “giật mình” vì không nghĩ một số DN trong nước lại có thể có những bước tiến bộ như vậy. 

“Trong câu chuyện này, tôi nghĩ các DN FDI có những cái hơn mình về nhận thức. Là bởi vì khi đến Việt Nam thì họ chỉ có một chuyện để làm thôi, đó là làm sao sản xuất cho tốt, còn sản xuất không tốt sẽ rời đi. Đối với họ thật sự đến đây là vì cái nghề, trong lúc một số DN Việt lại đến bằng cơ hội”, ông Khanh bộc bạch.

Còn theo Ts. Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), những sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nội địa phục vụ cho hoạt động xuất khẩu (XK) hiện nay tuy rất đa dạng nhưng các DN Việt vẫn gặp bất lợi. Bởi vì họ chủ yếu sản xuất linh kiện rời, trong khi yêu cầu của thị trường thế giới là cụm linh kiện hoàn chỉnh hoặc sản phẩm hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, theo bà Bình, giá cả linh phụ kiện khi XK cũng phải chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, hoạt động chế biến chế tạo của các DN nội địa tốn nhiều thời gian, có khi mất đến 3 năm họ mới có được đơn hàng. 

Ngoài vấn đề cạnh tranh về giá cả, vị tổng thư ký VASI lưu ý có những thách thức từ yêu cầu của thị trường mới, đặc biệt là vấn đề về tái chế. Khó khăn cho các DN công nghiệp hỗ trợ Việt khi đối tác đặt ra điều kiện nguyên vật liệu đầu vào phải là vật liệu tái chế, thế nhưng việc tìm kiếm ở Việt Nam những nguyên vật liệu như vậy rất khó khăn. 

“Đơn cử như nhựa tái chế ở Việt Nam rất kém cạnh tranh so với Trung Quốc bởi vì chúng ta không thu hồi được nhựa từ nguồn dân sinh hay công nghiệp, dẫn đến thiếu nguồn đầu vào cho DN tái chế nhựa”, bà Bình chia sẻ.

Thực tế cho thấy, để các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có đầu ra vững chắc trong chuỗi cung ứng mới, điều mà họ cần làm là phải tính toán để tránh lệ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, phải chủ động từ nguyên liệu thô là đầu vào cho ngành này.

Bởi nguyên liệu đầu vào của công nghiệp hỗ trợ hiện nhập khẩu khá nhiều từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…Một khi các chuỗi cung ứng bị “nghẽn”, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. 

Cần tăng mức độ liên kết

Bên cạnh đó, theo đánh giá mới đây của Bộ Công Thương, ​​các DN sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cùng với tỷ giá đồng USD tăng cao, chi phí logistics tăng cao...làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm XK. Khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài.

Bộ Công Thương cũng lưu ý mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các DN trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế. Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với DN trong nước còn chậm nên chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Sự tham gia mạnh của các DN trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được cải thiện rõ nét.

Trong thời tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước…để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Hơn thế nữa, điều cần làm là tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, DN sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy liên kết với các DN trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho các DN công nghiệp hỗ trợ Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Riêng góc nhìn từ VASI, Ts. Trương Thị Chí Bình nhấn mạnh đây là thời điểm cần có sự đầu tư tốt hơn nữa cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nội địa. Bởi vì khi làm việc với các đối tác lớn của nước ngoài, họ đặt ra yêu cầu về dây chuyền sản xuất là rất cao. Còn nếu chỉ làm ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc) vẫn đòi hỏi các DN phải có sản phẩm hay linh kiện hoàn chỉnh, nên cũng cần đầu tư mới rất cao. Trong khi đó, việc đầu tư của các DN vừa và nhỏ còn cực kỳ khó khăn, họ rất cần được hỗ trợ lãi suất vay, đây là điều mà DN băn khoăn nhất.

Mặt khác, theo bà Bình, các địa phương cũng có thể hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay cho các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chứ không thể chỉ chăm chăm trông chờ từ khâu chính sách của Chính phủ. 

Ngoài ra, vị tổng thư ký VASI cho rằng nếu như chỉ chờ các DN FDI chiếu cố cho DN Việt để làm, chúng ta sẽ mãi chỉ làm được những linh kiện lặt vặt bên ngoài. Cho nên, nếu có thể được, các DN Việt cần ngồi đàm phán với họ. Hoặc với những công ty mới đầu tư vào Việt Nam, rất cần nắm bắt nhu cầu trước của họ nhằm chuẩn bị nếu không sẽ không kịp. Và cũng để tránh khi vào Việt Nam thì chuỗi cung ứng mới của các DN FDI đã có sẵn rồi.                          

Thế Vinh-Link gốc