Tỷ giá VND/USD gần đây đang có có dấu hiệu hạ nhiệt và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tích cực này trong thời gian còn lại của năm.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù áp lực lên tỷ giá có thể giảm bớt, sức mạnh của đồng bạc xanh và những biến động khó lường từ thị trường ngoại hối quốc tế vẫn sẽ là thách thức đối với việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm. Ảnh: BNEWS phát
Kể từ đầu tháng 8/2024, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết đồng Việt Nam từng mất giá gần 5% so với USD từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8, tỷ lệ này đã giảm còn dưới 4%.
Việc tỷ giá USD ổn định và có xu hướng giảm trong thời gian tới mang lại nhiều triển vọng tích cực cho doanh nghiệp. Sự ổn định này không chỉ giảm áp lực lãi suất mà còn kích thích tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ chi phí vay ngoại tệ giảm, giúp họ tăng cường cạnh tranh và mở rộng cơ hội ký kết hợp đồng mới.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, nhận định tỷ giá giảm sẽ giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ. Đồng thời, khi tỷ giá dịu lại, Ngân hàng Nhà nước có thể mở rộng cung tiền, hạ lãi suất điều hành, từ đó mặt bằng lãi suất có thể giảm hoặc duy trì ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Nhìn lại diễn biến tỷ giá USD trong nửa đầu năm 2024, ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng Giao dịch Ngoại hối và Phái sinh tại Ngân hàng Shinhan Việt Nam, nhận định sự tăng giá của cặp VND và USD thời gian qua là không thể tránh khỏi do các yếu tố bên ngoài như sự chênh lệch lãi suất với Mỹ, sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc và các xung đột địa chính trị tại Trung Đông. Tuy nhiên, các dấu hiệu về việc Mỹ có thể xoay trục chính sách lãi suất đã trở nên rõ ràng hơn, khiến đồng USD yếu đi và tỷ giá USD/VND cũng giảm theo đáng kể.
Cũng theo ông Pyon Young Hwan, tỷ giá VND/USD dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá trong ngắn hạn do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như xung đột Trung Đông, chênh lệch lãi suất với Mỹ gia tăng và nền kinh tế Trung Quốc suy thoái. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu cùng sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong việc bán vàng và ngoại tệ dự trữ đã góp phẩn hạn chế tỷ giá USD tăng cao.
Mặc dù tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục biến động trong ngắn hạn, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc giảm lãi suất, nhiều chuyên gia dự đoán rằng xu hướng này sẽ ổn định hơn vào những tháng cuối năm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh dự báo rằng từ nay đến cuối năm, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường sẽ tăng lên nhờ các yếu tố như giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục và kỳ vọng Chính phủ Mỹ sẽ giảm giá USD thông qua việc cắt giảm lãi suất.
"Từ những yếu tố trên, sức ép lên tỷ giá hối đoái sẽ giảm đi. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách giảm cách biệt giữa giá trị đồng USD và VND, mục tiêu đến cuối năm biến động tỷ giá VND/USD nằm trong khoảng 2-3% chứ không cao như 6 tháng đầu năm nữa", Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông Pyon Young Hwan, dù đồng Việt Nam có thể mất giá nhẹ, nhưng VND dự kiến sẽ phục hồi khi Fed thay đổi chính sách tiền tệ và khi chi tiêu đầu tư công cùng dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh. Dự báo từ Shinhan cho thấy tỷ giá bình quân năm 2024 có thể đạt khoảng 25.040 VND/USD.
Cùng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank kỳ vọng rằng việc Fed sớm giảm lãi suất cùng dòng ngoại tệ tích cực trong nước có thể khiến VND chỉ giảm giá từ 3-4% so với USD, một mức được xem là hợp lý so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lưu ý rằng sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục gây khó khăn cho việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm 2024. Biến động của tỷ giá theo chỉ số USD Index (DXY) đang tăng, đặc biệt kể từ đầu năm đến nay.
Từ đầu quý III, chỉ số USD có xu hướng giảm, nhưng VDSC cũng chỉ ra một số yếu tố trong nước có thể gây áp lực lên cung-cầu ngoại tệ. Các yếu tố này bao gồm nhu cầu USD tăng cao vào cuối quý III và đầu quý IV do hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm; cùng với đó là sự gia tăng áp lực tỷ giá do các yếu tố liên quan đến cán cân thanh toán.
Với sự kết hợp của các yếu tố trên, VDSC cho rằng con đường ổn định tỷ giá có thể sẽ gặp thêm một số khó khăn trước khi đạt được sự ổn định mong muốn.
Để đối phó với áp lực mất giá của đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng cả hai công cụ là bán ngoại tệ can thiệp và tăng lãi suất nội tệ.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá vẫn duy trì sự ổn định và đảm bảo thị trường ngoại tệ thông suốt, giúp cân bằng cung cầu ngoại tệ, duy trì trạng thái ngoại tệ dương tại các ngân hàng thương mại và đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực, áp lực từ lãi suất USD cao vẫn là một thách thức đáng kể. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ giá có thể giảm áp lực trong nửa cuối năm, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá một cách linh hoạt và kịp thời, nhằm đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương khuyến cáo để tránh những tác động từ diễn biến tỷ giá, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh ứng phó với nhiều kịch bản biến động giá của đồng USD dựa trên những phân tích kỹ lưỡng của các cơ quan quản lý và giới chuyên gia. Ngoài ra, bảo hiểm tỷ giá để phòng ngừa rủi ro cũng là giải pháp doanh nghiệp phải tính đến.
Lê Phương-Link gốc