Theo dự thảo của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại sẽ không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7.
Tiếp sau quy định trên, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất dự thảo thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Luật Các TCTD 2024.
Theo đó, Luật Các TCTD 2024 đã có thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan, thay đổi cách xác định người có liên quan, sở hữu cổ phần gián tiếp.
Dự thảo Thông tư quy định, ngân hàng thương mại phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ phù hợp với phương án cơ cấu lại hoặc được phê duyệt của cấp có thẩm quyền của cổ đông và người có liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các TCTD.
Việc Ngân hàng Nhà nước "siết" quy định về cổ đông ngân hàng sở hữu cổ phần vượt trần nhằm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo.
Ngân hàng rà soát danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ. Thời điểm chốt số liệu để xác định danh sách là đến hết ngày 30/6/2024.
Ngân hàng thương mại phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ xây dựng lộ trình tuân thủ các quy định của Luật Các TCTD.
Đáng chú ý, dự thảo quy định, ngân hàng và tổ chức, cá nhân liên quan tại lộ trình tuân thủ có trách nhiệm thực hiện lộ trình tuân thủ đã gửi Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian thực hiện lộ trình tuân thủ, trường hợp cần thiết, ngân hàng phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan điều chỉnh biện pháp áp dụng và lộ trình thực hiện nhưng phải đảm bảo thời hạn lộ trình tuân thủ.
Cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng dưới mọi hình thức cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định, trừ trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu.
Đồng thời, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người có liên quan của các cổ đông đó.
Ngoài ra, cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.
Trường hợp ngân hàng thương mại, cổ đông, cổ đông và người có liên quan không thực hiện đúng theo lộ trình tuân thủ, tùy theo tính chất, mức độ, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Các chuyên gia nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước "siết" quy định về cổ đông ngân hàng sở hữu cổ phần vượt trần nhằm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo.
Tuy nhiên, để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Luật Các TCTD 2024 đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, từ 1/7/2024 (thời điểm Luật này có hiệu lực), cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Luật Các TCTD 2024 đã có thay đổi về giới hạn sở hữu cổ phần của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan, thay đổi cách xác định người có liên quan, sở hữu cổ phần gián tiếp.
Cụ thể, theo quy định của Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; Một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ; Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.
Thanh Hoa-Link gốc