Doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh, đại gia, "vua cá tra" một thời, chìm sâu vào nợ nần những năm gần đây và chính thức 'mất chủ quyền' khi trở thành công ty con của Kido nhà đại gia Trần Kim Thành - một đế chế mới trong ngành hàng thiết yếu.
Sau dầu ăn, bánh kẹo, đại gia Trần Kim Thành 'nhảy' vào thủy sản
CTCP Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) do ông Trần Kim Thành làm chủ tịch vừa công bố thông tin về việc tập đoàn đã hoàn tất giao dịch theo từng giai đoạn, để nắm giữ 58,05% cổ phần CTCP Hùng Vương (HVG), tính đến ngày 22/8, đưa doanh nghiệp của Chủ tịch Dương Ngọc Minh thành công ty con.
Như vậy, “vua cá tra” một thời là Thủy sản Hùng Vương (HVG) chính thức thuộc về một đại gia đầy tham vọng khác.
Kido được biết đến là ông lớn số 1 trong ngành sản xuất bánh kẹo, với thương hiệu bánh trung thu Kinh Đô. Nhưng năm 2014, toàn bộ mảng sản xuất bánh kẹo Kido đã bán cho ông lớn Mỹ Mondelēz International, để thu về 8.000 tỷ đồng.
Sau thương vụ lịch sử đó, Kinh Đô đổi tên thành Tập đoàn Kido và liên tục tái cấu trúc, tập trung vào mảng dầu thực vật với một loạt vụ M&A, mà nổi bật là Dầu ăn Tường An. Gần đây, Kido lấn sâu vào ngành hàng thiết yếu, đặc biệt mảng gia vị và nước chấm.
HVG chính thức trở thành công ty con của Kido.
Trong quý III/2023, Kido ghi nhận khoản mục đầu tư ước tính hơn 1.000 tỷ đồng vào CTCP Thọ Phát Quốc Tế (Thọ Phát) và nắm giữ 68% cổ phần nhà sản xuất bánh bao nổi tiếng này. Đây là mảnh ghép tiếp theo trong chiến lược mở rộng lại ngành bánh, hướng tới mục tiêu đưa Kido trở thành tập đoàn thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam.
Kể từ năm 2020, KDC của ông Trần Kim Thành đã trở lại thị trường bánh kẹo với thương hiệu bánh trung thu Kingdom sau hơn 5 năm vắng bóng.
Đến nay, Kido có khá nhiều công ty con và công ty liên kết. Kido sở hữu 87,3% cổ phần Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (VOC); gần 76% cổ phần Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè; khoảng 62% CTCP Dầu Thực vật Tường An (TAC); gián tiếp qua Vocarimex sở hữu hơn 51% cổ phần CTCP Bao bì dầu thực vật (VPK); 65% Thực phẩm đông lạnh Kido…
Kido cũng sở hữu 40% Công ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina, 34% CTCP Đầu tư Phát triển Phong Thịnh.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 hôm 19/6, Kido đặt mục tiêu doanh thu tăng 50% lên 13 nghìn tỷ đồng trong năm nay, lợi nhuận trước thuế tăng 2,5 lần lên 800 tỷ đồng. Doanh nghiệp của ông Trần Kim Thành tiếp tục phát triển và mở rộng ngành hàng thực phẩm thiết yếu; song song tập trung phát triển sản phẩm/ngành hàng mới và mở rộng chuỗi phân phối trên toàn quốc và hướng đến mở rộng ra thị trường nước ngoài.
Những ngành nghề chính của Kido là: dầu ăn, hàng gia vị (nước mắm, hạt nêm, nước tương, bột gia vị... ), bánh (bánh tươi, bánh trung thu), bánh bao, ngành hàng kem... Kido có kế hoạch M&A Hùng Vương Plaza và Vạn Hạnh Mall. Trong quý III/2024, tập đoàn này sẽ mua lại Hùng Vương Plaza với tỷ lệ sở hữu 77%.
'Vua cá tra' tan giấc mộng tỷ USD
Trái ngược với sự bứt phá mạnh mẽ của Kido, Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh chìm vào suy thoái và nợ nần nhiều năm nay do vướng vào đa ngành, thực hiện rất nhiều thương vụ M&A.
Ông Dương Ngọc Minh. Ảnh: TP
Thủy sản Hùng Vương trở thành công ty cổ phần từ đầu năm 2007, tới năm 2009 niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Doanh nghiệp của ông Minh sở hữu 7 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu có mô hình sản xuất khép kín hàng đầu Việt Nam về quy mô hoạt động, kim ngạch xuất khẩu và chất lượng sản phẩm. Các nhà máy của HVG đủ điều kiện xuất khẩu sang 27 nước EU và mở rộng xuất khẩu sang Mỹ, Đông Âu, Trung Quốc,...
Từ năm 2013, doanh thu của HVG đã vượt ngưỡng 10 nghìn tỷ đồng (đạt gần 11.180 tỷ đồng) - còn KDC của ông Trần Kim Thành bấy giờ có doanh thu là 4.670 tỷ đồng.
Đây cũng là thời điểm ông Dương Ngọc Minh hướng tới mục tiêu doanh thu tỷ USD, vốn rất hiếm vào thời điểm đó. Các năm sau, doanh thu của HVG tiếp tục tăng, lên hơn 15 nghìn tỷ đồng năm 2014 và hơn 18 nghìn tỷ đồng năm 2016.
Tuy nhiên, giấc mơ của ông chủ HVG đã không thành hiện thực. HVG lao dốc do vay nợ quá nhiều và làm ăn không hiệu quả.
Từ một doanh nghiệp lớn của ngành thủy sản, sau giai đoạn ăn nên làm ra, HVG rơi vào thua lỗ trong các năm 2016, 2017 và lỗ nặng trong năm 2019. Tới cuối năm 2019, con số lỗ lũy kế đã hơn 1.700 tỷ đồng.
Hồi tháng 8/2020, Thủy sản Hùng Vương bị hủy niêm yết bắt buộc khỏi HoSE do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Ngay sau đó, HVG được chuyển sang Upcom với giá 5.400 đồng/cp rồi bị đình chỉ giao dịch từ cuối năm 2023 với mức giá chỉ còn 1.400 đồng/cp.
HVG nặng nợ và sụp đổ.
"Vua cá tra" Hùng Vương từng được tỷ phú USD Trần Bá Dương giải cứu nhưng bất thành và sau đó phải tính tới việc bán hàng loạt tài sản để trả nợ. HVG của ông Dương Ngọc Minh đã phải bán dần các cỗ máy vận hành tốt, như CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF)...
Khó khăn của HVG có lẽ đến từ việc mở rộng quá nhanh và chuyển sang đa ngành. Từ quy mô 120 tỷ đồng năm 2007, đến cuối năm 2016, HVG đã có 27 công ty con và liên kết, với tổng nguồn vốn lên tới hơn 16,6 nghìn tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn gần 7.650 tỷ đồng và vay dài hạn gần 1.060 tỷ đồng.
Số tiền vay quá lớn trong khi hoạt động kinh doanh chính không thuận lợi khiến HVG gặp khó khăn, không trả được nợ. Mức lợi nhuận rất thấp không thể bù nổi các khoản lãi vay. HVG bị các ngân hàng từ chối giãn nợ và rơi vào khó khăn, phải bán dần các công ty con, liên kết.
Triển vọng của HVG bớt u tối vào đầu năm 2020, khi Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương vào giải cứu.
Sự xuất hiện của cổ đông lớn - nhóm Thaco - đã làm tăng kỳ vọng vào sự hồi phục của Thủy sản Hùng Vương. Dù vậy, doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh đã không thể gượng dậy, nhất là giai đoạn xuất khẩu thủy sản gặp khó vì dịch bệnh Covid-19 ập tới.
Chỉ hơn 1 năm sau khi ký hợp tác chiến lược, nhóm tỷ phú Trần Bá Dương đã bán cổ phiếu HVG và rút lui khỏi công cuộc giải cứu đại gia cá tra.
Mạnh Hà-Link gốc