Equinor - tập đoàn năng lượng khổng lồ do Nhà nước Na Uy kiểm soát đã huỷ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam và sẽ đóng cửa văn phòng tại Hà Nội.
Theo thông tin trên Reuters, ông Magnus Frantzen Eidsvold, người phát ngôn của Equinor - tập đoàn năng lượng lớn nhất Na Uy- cho biết Tập đoàn này đã quyết định huỷ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội. Văn phòng này khai trương hồi tháng 5/2022.
Đây là lần đầu tiên Equinor rút lui khỏi một dự án phát triển điện gió ngoài khơi tại thị trường nước ngoài. Công ty đã rút khỏi các dự án dầu khí tại hơn chục quốc gia trong vài năm qua để tập trung vào năng lượng tái tạo.
Equinor dừng dự án điện gió tại Việt Nam, đóng cửa văn phòng đại diện tại Hà Nội.
Vào năm 2021, Petrovietnam và Equinor đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Trước đó, năm 2023, công ty điện gió ngoài khơi Đan Mạch Orsted, một tập đoàn lớn khác ngành năng lượng đã tuyên bố tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các trang trại điện gió ngoài khơi lớn tại Việt Nam.
Cụ thể, Orsted đã lập liên danh với Tập đoàn T&T lên kế hoạch rót khoảng 30 tỷ USD phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với tổng công suất lên tới 21GW. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, Orsted đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của thị trường quốc tế đối với các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo nhờ vào các đặc tính tự nhiên như gió mạnh tại đường bờ biển dài, tuy nhiên sự chậm trễ trong cải cách quy định gần đây khiến một số nhà đầu tư tiềm năng phải xem xét lại kế hoạch.
Hiện tại, Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào, nhưng đặt mục tiêu lắp đặt các trang trại điện gió công suất 6 gigawatt (GW) cho tới năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII, cũng như lộ trình giảm sử dụng điện than và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).
Hồng Hương-Link gốc