Sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương rất cao, được chứng nhận chất lượng song không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh chia sẻ rằng, việc tiếp cận thị trường tiêu thụ còn hạn chế.
Tại Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.
Song, việc tiếp cận và đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ về thực trạng này, bà Phan Uyên - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Sữa Con Bò Vàng, doanh nghiệp này hiện có hơn 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao trong đó tiêu biểu là bánh sữa và sữa chua.
“Con bò Vàng mới chỉ tiêu thụ qua các kênh cửa hàng nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được các hệ thống siêu thị. Nguyên nhân là muốn vào hệ thống siêu thị phải mất phí mở mã vạch và phải ký gửi hàng hóa thanh toán theo từng đợt, và đó là khó khăn đối với doanh nghiệp như chúng tôi.
Việc tiếp cận và đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nếu được vào kênh siêu thị thì thương hiệu của chúng tôi sẽ được nhiều người biết đến, tin dùng và chắc chắn sẽ bán được nhiều hàng hơn”- bà Phan Uyên nói.
Đại diện doanh nghiệp này đề xuất siêu thị có chính sách hỗ trợ phí mở mã vào hệ thống siêu thị, hỗ trợ về thanh toán tiền hàng luôn cho doanh nghiệp khi đưa hàng vào để hỗ trợ nhà sản xuất, phân phối.
Cũng gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại, ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao nêu thực trạng, Hợp tác xã dịch vụ Đông Cao (Mê Linh) có diện tích 200ha với sản lượng rau 60.000 tấn/năm.
Mặc dù TP Hà Nội đã có hệ thống siêu thị hiện đại nhưng hiện việc tiêu thụ rau của Hợp tác xã chủ yếu thông qua các thương lái của hệ thống chợ truyền thống Hà Nội và các tỉnh. Trung bình từ 40 tấn/ngày, riêng vào thời kỳ tiêu thụ cao điểm vào các kỳ nghỉ lễ, tết có thể lên đến 400 tấn/ngày.
“Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển.
Để tiêu thụ sản phẩm Hợp tác xã đang phối hợp với doanh nghiệp Hàn quốc chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, vì vậy rất mong cơ quan quản lý hỗ trợ Hợp tác xã trong việc tiếp cận đối tác chế biến quốc tế. Đồng thời mong muốn được hỗ trợ truyền thông về sản phẩm OCOP của Hợp tác xã”- ông Đàm Văn Đua chia sẻ.
Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao đồng thời kiến nghị Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp dán tem nhãn sản phẩm OCOP khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, qua đó Hợp tác xã có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op hiện có hơn 130 mặt hàng OCOP gồm: trái cây, trứng gia cầm, mật ong, yến sào chưng đường phèn, bột rau củ các loại, nước màu dừa, tiêu, miến dong, bánh tráng, hạt điều… đến từ các hợp tác xã của TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên.
Sản phẩm nông sản Việt luôn được ưu tiên bày bán ở vị trí đẹp, đặc biệt là thời điểm thu hoạch rộ.
“Thực tế tiêu thụ sản phẩm OCOP cho thấy, để sản phẩm OCOP được khách hàng biết tới nhiều hơn, doanh nghiệp bên cạnh tập trung vào đảm bảo chất lượng, sản lượng sản phẩm, cũng cần chú trọng vào thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt, thu hút khách hàng, mà thông qua đó người tiêu dùng có thể hiểu được câu chuyện về sản phẩm, tạo sự khác biệt với sản phẩm OCOP của vùng miền khác”- đại diện Co.op mart lưu ý.
Góp ý về thực tế trên, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, Hà Nội có hạ tầng thương mại phát triển tương đối mạnh mẽ với 29 trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ truyền thống, trên 2.000 cửa hàng tiện ích; 1.085 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; 107 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trên 400 sàn thương mại điện tử... hàng năm hỗ trợ kết nối, tiêu thụ khoảng 500.000 tấn sản phẩm nông sản, OCOP từ các tỉnh, thành phố phục vụ cân đối cung cầu trên địa bàn Thủ đô.
Dù vậy, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc đưa các sản phẩm OCOP vào siêu thị cũng như tiêu thụ các sản phẩm này vẫn gặp khó khăn nhất định.
Theo ông Hà Tiến Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), với gần 12 triệu người dân đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô, nhu cầu tiêu dùng nông sản lớn. Thực tế cho thấy thành phố vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng nên dư địa về tiêu thụ nông sản thực phẩm còn rất lớn.
Do đó, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các đơn vị tiếp tục phát triển thêm sản phẩm. Cùng với đó, cần xây dựng vùng nguyên liệu tốt, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, là điều kiện tiên quyết để nông sản chiếm được lòng tin của người tiêu dùng”- ông Hà Tiến Nghi nhấn mạnh.
Hồng Hương-Link gốc