Theo các chuyên gia, trên thế giới, bảo hiểm giá đã thành một thông lệ mà hầu hết doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên thị trường quốc tế đều phải sử dụng. Vì vậy, Việt Nam cần thiết đưa những chính sách này vào quy định về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương đang sửa nghị định xăng dầu thay thế cho các nghị định trước đây gồm Nghị định 83, 95, 80.
Tuy nhiên, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm là công cụ bảo hiểm giá cho doanh nghiệp không được nhắc đến trong dự thảo nghị định này. Trong khi đó, đây được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp ổn định giá cả hàng hoá trước những biến động của thị trường.
Thực tế, tình trạng giá xăng dầu bất ổn đã diễn ra suốt từ năm 2020 đến nay vẫn chưa dứt trước tác động của thiên tai, dịch bệnh, xung đột chính trị…
Điều đáng nói, Nghị định 83 năm 2014 đã từng cho phép các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối được sử dụng công cụ, nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm giá. Nhưng các nghị định sửa đổi sau này như Nghị định 95, 80 đã bỏ quy định này.
Bình luận về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng, trong nghị định mới nên tiếp tục đưa công cụ bảo hiểm về giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa giống như Nghị định 83.
“Các doanh nghiệp được phép sử dụng các nghiệp vụ phái sinh thông qua các Sở Giao dịch hàng hóa hoặc là một số những định chế tài chính khác là một yêu cầu cần thiết để đảm bảo được cho doanh nghiệp có khả năng tự phòng vệ bảo hiểm giá của mình, giảm thiểu những rủi ro do biến động thị trường mang lại”, ông Bảo nói và cho hay, trên thế giới, bảo hiểm giá đã thành một thông lệ mà hầu hết doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên thị trường quốc tế đều phải sử dụng…
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), tỷ trọng của nhóm sản xuất và kinh doanh xăng dầu chiếm khoảng 60% quy mô toàn thị trường dầu kỳ hạn.
Báo tài chính Barron’s cho biết, các nhà sản xuất dầu của Mỹ thường sẽ bảo hiểm 40-50% sản lượng khai thác dự kiến cho ít nhất 12-15 tháng sau đó. Điều này giúp các doanh nghiệp luôn bảo đảm lợi nhuận trong nhiều kịch bản khác nhau của giá dầu và góp phần giúp thị trường xăng dầu tại Mỹ luôn được điều tiết ổn định và hiệu quả.
Vì vậy, theo các chuyên gia, không quy định cơ chế này tại nghị định mới là điều vô lý và thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, công cụ phái sinh vừa là công cụ đầu tư vừa là công cụ bảo hiểm, được các doanh nghiệp lớn trên thế giới sử dụng phổ biến để phòng ngừa rủi ro. Vì vậy, ông Long đề xuất, nghị định mới cần đưa thêm công cụ này, nghĩa là cho phép doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ông lập luận, khi thị trường xăng dầu có cạnh tranh thì xu hướng là luôn luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi, bên cạnh đó những quy định kèm theo mang tính chất quốc tế, chúng ta phải áp dụng, đó là những chính sách sử dụng nghiệp vụ về phái sinh. Phái sinh ở đây không thuần túy là việc đầu tư về tài chính mà đây là những nghiệp vụ phòng vệ giá, tức là bảo hiểm giá xăng dầu. Nhưng quy định cũng thiếu đồng bộ khi những hoạt động về phái sinh không được hoạch toán vào chi phí bảo hiểm của xăng dầu mà lại cho đây là hoạt động về đầu tư tài chính.
Do đó, Bộ Tài chính cũng cần có những quy định cụ thể để hướng dẫn cho hoạt động này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước giao dịch liên thông với nước ngoài.
Link gốc