• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 11:10:55 CH - Mở cửa
Lộ diện hàng loạt 'ông lớn' bất động sản nắm giữ vốn ngân hàng
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 30/08/2024 9:00:20 SA

Nhiều ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông nắm từ 1% vốn, trong danh sách này hé lộ nhiều "đại gia" ngành bất động sản hoặc nằm trong hệ sinh thái đa ngành có bất động sản...

Dù đã công khai danh sách cổ đông, nhiều chuyên gia lo ngại vẫn còn "kẽ hở" để các cổ đông "lách luật" như mượn người đứng tên, ẩn tên, chia nhỏ cổ phần sở hữu.... Do đó, quan trọng là phải quản lý, giám sát dòng tiền từ vốn và tín dụng tại ngân hàng đó.

Vì sao cần công khai?

Vừa qua, các ngân hàng tiếp tục công bố danh sách cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ trở lên và người có liên quan theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Mới nhất, Ngân hàng An Bình (ABBank) công bố danh sách gồm 19 cổ đông (16 cá nhân và 3 tổ chức) nắm giữ từ 1% vốn điều lệ ngân hàng trở lên. 

Đáng chú ý, ông Vũ Văn Tiền, Phó chủ tịch ABBank, đồng thời là lãnh đạo có tên tuổi gắn liền với nhà băng này - không có tên trong danh sách.

Song, 2 doanh nghiệp liên quan đến ông Tiền nắm trực tiếp 17,21% cổ phần ngân hàng này. Trong đó, Tập đoàn Geleximco - doanh nghiệp bất động sản do ông Tiền làm Chủ tịch HĐQT - nắm 12,78% vốn. Chưa kể, tỷ lệ sở hữu cổ phần người liên quan tập đoàn này tại ngân hàng nắm 4,65%.

Công ty cổ phần Glexhomes - một doanh nghiệp trong hệ sinh thái Geleximco - cũng nắm 4,43% vốn ABBank. Cổ đông tổ chức còn lại là Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm giữ 16,39% vốn.

Trong danh sách cổ đông cá nhân còn có một số người liên quan đến ông Tiền như ông Vũ Văn Hậu (em ruột). Ông Hậu nắm 1,96% vốn, nhưng người liên quan sở hữu 15,45%.

ROX Key Holdings hiện nắm 2,43% vốn MSB và người liên quan nắm gần 1% vốn.

Cập nhật mới đây của MSB cho thấy một loạt công ty nằm trong hệ sinh thái của ROX Group (tiền thân là TNG Holdings) - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản - đang nắm lượng vốn lớn tại nhà băng này. 

Trong đó, ROX Key Holdings hiện nắm 2,43% vốn MSB và người liên quan nắm gần 1% vốn. Tương tự, Công ty Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL nắm 1,08% vốn MSB và người liên quan công ty này nắm 1,87% vốn; Công ty Đầu tư xây dựng ROX Cons cũng đang nắm 1,87% vốn MSB.

Ngoài ra, trong danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn MSB còn có một số doanh nghiệp bất động sản khác như Công ty TNHH khu nghỉ dưỡng Bãi Dài (nắm 4,96%); Công ty TNHH Thành phố Công nghệ xanh Hà Nội (4,97%), Công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Hà Nội - Đài Tư (4,98%) hay Công ty CP Đầu tư Ricohomes (2,64%).

Tương tự, tại HDBank, Công ty CP Sovico - nằm trong hệ sinh thái Sovico Group của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, cũng đang nắm hơn 417,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,27% vốn điều lệ ngân hàng. Đây cũng là cổ đông duy nhất nắm trên 5% vốn theo công bố của HDBank.

Ngoài ra, một loạt ngân hàng khác như: OCB, Eximbank… cũng có những "ông lớn" trong ngành bất động sản nắm giữ cổ phần. 

Trước khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được ban hành, trên thị trường tài chính, câu chuyện những cổ đông lớn của một số ngân hàng vẫn được nhắc đến dưới những mối quan hệ sở hữu chằng chịt, dưới nhiều hình thức khác nhau. Đã có trường hợp một nhóm cổ đông là những bên liên quan liên kết để sở hữu hơn 51% cổ phần vốn, nhằm tạo ra quyền lực mềm để thao túng hoạt động ngân hàng. Đại án Vạn Thịnh Phát là ví dụ điển hình khi bằng một vài “thủ thuật”, hơn 90% cổ phần của SCB đã thuộc về nhóm Trương Mỹ Lan.

Để chống thao túng ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đưa ra quy định mới chặt chẽ hơn. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải công khai thông tin cổ đông từ 1% vốn, được đánh giá như giải pháp hỗ trợ các cơ quan liên quan giám sát, thanh kiểm tra để đánh giá mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng. 

Quan trọng là giám sát dòng tiền tại ngân hàng

Theo các chuyên gia, với quy định này có thể dễ dàng xác định được “ông chủ” thực sự đang nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu ngân hàng, qua đó có những biện pháp ngăn chặn, xử lý được sở hữu chéo, thao túng trong ngân hàng.

Chuyên gia Chứng khoán VPBanks nhận định, quy định công bố thông tin cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu sở hữu, từ đó đánh giá chính xác hơn rủi ro và tiềm năng của ngân hàng.

Đồng thời, việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông và người có liên quan sẽ hạn chế khả năng thao túng ngân hàng của một nhóm cổ đông.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lo ngại giảm tỷ lệ sở hữu cũng có thể tạo ra khó khăn trong quản trị ngân hàng. Nếu không có cổ đông lớn nào giữ vai trò dẫn dắt, ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc đồng thuận và đưa ra quyết định chiến lược.

PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và công khai danh sách cổ đông là biện pháp ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, nhưng việc này chưa có tác động nhiều nếu có sự cố tình lách sở hữu chéo. Nếu một tổ chức chia nhỏ sở hữu cho nhiều cá nhân, tổ chức đứng tên cũng thỏa điều kiện.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, dù đã quy định chặt chẽ trong Luật Các tổ chức tín dụng nhưng vẫn có nhiều cách để "lách" tỷ lệ sở hữu như mượn người đứng tên, ẩn tên, chia nhỏ cổ phần sở hữu... Do đó, thật sự phải có quá trình điều tra để nhận diện và xử lý các hành vi vi phạm chứ không chỉ dừng lại ở các quy định. Nhìn chung, hiệu quả của quy định mới vẫn phụ thuộc nhiều vào việc giám sát và thực thi của cơ quan nhà nước. Việc giám sát chặt chẽ và minh bạch sẽ bảo đảm các quy định được thực thi nghiêm túc và hiệu quả.

Một số chuyên gia khác cho rằng, điều quan trọng vẫn không hẳn nằm ở chỗ quản lý về tỷ lệ sở hữu cổ phần ở mức trần nào tại ngân hàng, mà là quản lý, giám sát dòng tiền từ vốn và tín dụng tại nhà băng đó. Kinh nghiệm và thực tế chung ở các thị trường cho thấy nhiều trường hợp ngân hàng có chủ sở hữu từ trên 65% nhưng quản lý rất chặt chẽ, hiệu quả, chất lượng tài sản tốt; có trường hợp cũng là ngân hàng gia đình và cũng đảm bảo được an toàn, minh bạch cao; mặt khác lại có trường hợp ngân hàng có cổ đông chia nhỏ, kinh doanh quản trị không hiệu quả, các cổ đông không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng...

Huyền Anh - Link gốc