Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển phát triển đa dạng các loại hình nhà ở; trong đón có nhà ở thương mại, nhà chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở riêng lẻ.
Từ đó từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng như người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Dự án chung cư Hacom Galacity tại khu đô thị mới Đông Bắc, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm tối thiểu khoảng 776.633 m2 sàn; trong đó, nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng tăng thêm khoảng 726.158 m2 sàn; nhà ở thương mại tăng thêm khoảng 42.600 m2 sàn; nhà ở xã hội phấn đấu tăng thêm khoảng 7.875 m2 sàn (tương đương 175 căn), diện tích sàn nhà ở xã hội để cho thuê chiếm tỷ lệ 20% tổng chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở xã hội, dự kiến khoảng 1.575 m2 sàn, tương đương khoảng 35 căn hộ.
Địa phương phấn đấu diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 24,1 m2 sàn/người. Trong số đó, khu vực đô thị đạt khoảng 28,1m2 sàn/người; khu vực nông thôn khoảng 21,9 m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu đạt 10 m2 sàn/người. Diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở gần 170 ha.
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng các loại hình nhà ở trên 6.243 tỷ đồng; trong đó, nhà ở thương mại dịch vụ 368,5 tỷ đồng; nhà ở xã hội 55,17 tỷ đồng; nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng trên 5.820 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền thông tin, tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách, các chương trình mục tiêu về nhà ở. Đồng thời, huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển nhà ở thông qua nhiều hình thức như huy động vốn của doanh nghiệp, huy động từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phát triển địa phương, cổ phiếu, trái phiếu và các nguồn vốn hợp pháp khác; áp dụng những chính sách ưu đãi về thuế, phí theo quy định của pháp luật liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản.
UBND tỉnh đề ra 8 nhóm giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở. Đối với nhóm giải pháp về đất đai, địa phương quy định cụ thể những khu vực đô thị, khu vực nông thôn được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của các dự án đã được phê duyệt. Địa phương tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư để tạo quỹ đất sạch, thu hút, kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án.
Về quy hoạch và xây dựng, Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị, UBND các huyện, thành phố xác định và công bố quỹ đất được phép xây dựng nhà ở theo quy hoạch để làm cơ sở tổ chức triển khai các dự án phát triển nhà ở và tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy hoạch. Cơ quan chức năng liên quan công bố công khai quy hoạch xây dựng đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy hoạch khu dân cư nông thôn để người dân biết và tuân thủ, làm căn cứ để quản lý cấp phép xây dựng mới, cũng như cải tạo chỉnh trang đô thị.
Về cơ chế, chính sách, địa phương tập trung thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, nhất là về cơ chế tài chính, sử dụng nguồn lực, đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý phát triển đô thị. Song song, tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, dễ thực hiện và rút ngắn thời gian thực hiện.
Tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật dưới nhiều hình thức và bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn doanh nghiệp thông qua đấu thầu chủ đầu tư các dự án hạ tầng. Tỉnh thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi sau khi đầu tư đường giao thông để huy động vốn từ quỹ đất cho đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các đối tượng xã hội giải quyết nhà ở, khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở không đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật.
Đồng thời, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và sử dụng các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo trong các công trình nhà ở tại khu vực đô thị và nông thôn, vật liệu xây dựng mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, vật liệu tái chế, các loại hình nhà ở sinh thái - nhà ở xanh, nhà ở tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Về phát triển thị trường bất động sản, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung triển khai theo quy định các chính sách kinh doanh bất động sản nói chung và chính sách liên quan đến giao dịch, kinh doanh nhà ở, dự án nhà ở nói riêng, bao gồm: kinh doanh nhà ở có sẵn, kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở, chuyển nhượng dự án, một phần dự án nhà ở...
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản, kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, tăng tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người dân khi kinh doanh bất động sản.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị với sự đa dạng về sản phẩm, mức giá để mở rộng nhóm khách hàng tiếp cận, từng bước thay đổi tập quán sở hữu nhà ở riêng lẻ sang nhà ở căn hộ chung cư nhất là tại khu vực đô thị. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê, thuê mua phục vụ nhu cầu về cho người thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân, người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển các loại hình nhà ở với tổng cộng 14 dự án đang triển khai tại các khu đô thị, khu dân cư mới. Cụ thể, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có 10 dự án, tiếp theo là huyện Ninh Hải có 2 dự án, huyện Ninh Sơn có 1 dự án và huyện Thuận Nam 1 dự án. Ngoài ra, tỉnh đã công bố danh mục 27 dự án mới, mời gọi đầu tư vào các khu đô thị và nhà ở xã hội trên toàn địa bàn.
Nguyễn Thành-Link gốc