Chủ tịch VARS cho rằng thị trường BĐS sẽ không có hiện tượng giảm giá, không có bong bóng nổi lên. Giá bất động sản sẽ do nhu cầu của thị trường và chất lượng sản phẩm quyết định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) mới có những đánh giá về hiện tượng tăng giá bất động sản, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM trong đó, giá chung cư tăng bất thường.
Cung-cầu được điều chỉnh
Theo đó, ông Đính cho rằng, tác động từ nhóm lợi ích nào đó chưa phù hợp lắm trong bối cảnh kinh tế, thị trường, thu nhập người dân chưa hồi phục. Giá nhà tăng cao, nhưng giao dịch lại không xuất hiện, đây có thể là chiêu trò nào đó của một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng.
Để xảy ra tình trạng này, ông Đính khẳng định nguồn cung rõ ràng đang có vấn đề. Mấy năm nay, thị trường không có dự án mới được phê duyệt cấp phép đầu tư. Các dự án chủ yếu là dự án cũ và dự án đã mua đi bán lại. Nguồn cung vừa thiếu vừa kém chất lượng, cung cho người dân, người nghèo rất ít, cấu trúc sản phẩm không phù hợp. Trong khi, cầu thì lớn, không chỉ cầu về người dân, mà cầu về đầu tư cũng rất lớn.
“Đầu tư bất động sản vẫn là kênh được nhà đầu tư rót tiền rất mạnh. Chúng ta thiếu cả về số lượng tới chất lượng. Chúng ta cần có điều chỉnh. Hy vọng bắt đầu từ hôm nay, nhiều dự án được tháo gỡ, nguồn cung sẽ được đẩy vào thị trường nhiều hơn. Nhiều sự lựa chọn về chung cư, chung cư mini, condotel, căn hộ nghỉ dưỡng, nhà ở chất lượng sẽ xuất hiện phong phú, giảm áp lực cung cầu, giá cả sẽ được điều chỉnh.” - ông Đính nói.
Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Nguyễn Văn Đính.
Theo ông Đính, điều hành của Chính phủ sắp tới, cùng với việc bộ 3 Luật được thực thi sớm sẽ giúp cho thị trường có nhiều dự án mới, có vài nghìn sản phẩm chung cư được mở bán giải toả được cung cầu. Về vấn đề giá, vị chuyên gia cho rằng, những khu vực nào trước đây giá có hiện tượng bong bóng, tăng "sốt ảo", chắc chắn sẽ được điều chỉnh về với giá trị thực. Khi đó, cung cầu sẽ điều chỉnh và sẽ chấp nhận ở mức giá hợp lý.
Vị chủ tịch VARS nhận định, xu hướng chung của thị trường sẽ không có mặt bằng chung giá bất động sản giảm xuống. Tuy rằng, giải toả những vướng mắc, khó khăn, làm giảm được quy trình công đoạn của dự án, nhưng dự án sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Cũng sẽ không có bong bóng nổi lên, mà giá bất động sản sẽ do nhu cầu của thị trường và chất lượng sản phẩm quyết định.
Chờ độ “ngấm” của Luật
Vừa qua đã xuất hiện tình trạng “găm hàng” để chờ luật mới. Nhiều nhà đầu tư giữ hàng thêm một thời gian, kỳ vọng giá cả “bật tăng”. Một số nhà đầu tư thì liên hệ báo tăng giá rao bán lên khoảng 10-15% so với giá đưa ra ban đầu. Có nền đất, dù đã đăng tin vài tháng chưa ai hỏi nhưng chủ đất vẫn tự tin tăng thêm giá rao.
Việc này kéo theo nhiều nhà đầu tư bị tác động tâm lý, cũng “găm hàng” theo với niềm tin giá bất động sản sẽ tăng mạnh vào thời gian tới.
Nhiều nhà đầu tư đang "găm hàng" với kỳ vọng giá BĐS sẽ tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Luật có hiệu lực nhưng cần độ “ngấm”, có thể cần thêm ít nhất 2-4 quý nữa, nhanh nhất là cuối năm 2024 thị trường mới có thể dần ấm trở lại. Còn việc giá bật tăng mạnh là khó diễn ra.
Các chuyên gia dự báo, giai đoạn 2025 - 2026 đất nền sẽ có cơ hội tăng giá với mức độ tốt hơn. Còn sắp tới, thị trường sẽ bớt khó khăn hơn hiện tại nhưng để "đảo chiều" thành công cần thêm thời gian. Các sản phẩm đầu tư, đầu cơ sẽ mất thêm từ 2 - 3 quý nữa để vực dậy thanh khoản.
Ông Trần Quang Trung - Giám đốc Phát triển Kinh doanh của OneHousing nhìn nhận, dù luật có thông qua thì nguồn cung vẫn chưa thể cải thiện được. Bởi vì, doanh nghiệp vẫn cần có thời gian chuẩn bị, rồi bấm nút, cơ quan nhà nước cũng cần thời gian để ra văn bản hướng dẫn.
Theo ông Trung, đối với các doanh nghiệp, nếu có sẵn các pháp lý liên quan dự án như 1/500, quyết định sử dụng đất, năng lực tài chính, bộ máy có sẵn,... sẽ chớp được cơ hội, và định hình ra được doanh nghiệp nào chủ đạo dự án lớn, doanh nghiệp đi thị trường ngách.
Liên quan đến phần đất nền, trước đây trong chặng đường phát triển nóng, có lúc phân lô bán nền, có lúc siết lại, tạo ra hệ luỵ mắc kẹt nguồn vốn. Khi đã định hướng rõ sẽ đỡ được tình trạng phí đất đai, đỡ người dân mắc kẹt.
Với góc nhìn doanh nghiệp, vị giám đốc của OneHousing tin rằng đây là một bước đà rất lớn, bắt đầu từ 1/9, sẽ phát triển bền vững. Tâm lý người dân đi mua bán sẽ hạn chế yếu tố đầu cơ, tạo sự bền vững cho thị trường.
Anh Đức-Link gốc