Thị trường chứng khoán những phiên đầu tháng 8 đầy biến động do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen.
Hôm nay thị trường chứng khoán tiếp tục phục hồi, tuy nhiên đà tăng đã chậm lại. Thậm chí có thời điểm trong phiên các chỉ số đi xuống.
Chốt phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,6 điểm lên mức 1.215,88 điểm; HNX-Index tăng 1,49 điểm lên mức 227,95 điểm; UPCOM-Index giảm 0,19 điểm xuống 92,03 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 15.650 tỷ đồng.
Trước đó, VN-Index đã giảm tới gần 50 điểm phiên 5/8, sau đó hồi phục 22 điểm vào phiên (6/8).
VN-Index hồi phục phiên thứ 2 liên tiếp. Ảnh minh họa: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Hôm nay, rổ cổ phiếu VN30 có 10 mã tăng giá và 14 mã giảm giá. Đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu họ Vingroup khi VHM khi cổ phiếu này tăng 6,9% lên mức giá trần 37.200 đồng/cổ phiếu, VRE tăng 5,88%, VIC tăng 2,54%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến rất tích cực, duy nhất chỉ còn TOS giảm giá. Các mã BSR, OIL, PEQ, PLX, POS, PTV, PVB, PVC, PVD đều ở chiều giá xanh.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là nguyên nhân kìm hãm đà hồi phục của thị trường. Cụ thể, TCB giảm 2,24%, VPB giảm 1,91%, TPB giảm 1,73%, CTG giảm 1,15%, BID giảm 0,75%...
Hôm nay khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.396 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã VHM (719,67 tỷ đồng), VPB (116,89 tỷ đồng), HPG (111,54 tỷ đồng) và TPB (97,08 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 9 tỷ đồng, tập trung vào mã MBS (8,43 tỷ đồng), DTD (6,51 tỷ đồng), SHS (4,97 tỷ đồng) và NTP (2,72 tỷ đồng).
Trong bái cáo chiến lược tháng Tám năm 2024 với chủ đề “Thử thách lớn – cơ hội lớn” do Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) vừa công bố, các chuyên gia từ công ty chứng khoán này nhìn nhận, nếu tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì tích cực trong giai đoạn cuối năm sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp niêm yết, là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán về dài hạn.
Tuy nhiên, tín hiệu suy thoái ở các nền kinh tế lớn sẽ là yếu tố rủi ro cần được theo dõi sát bởi sẽ đây cũng sẽ là yếu tố rủi cho quá trình phục hồi của Việt Nam.
Theo SSI, tăng trưởng lợi nhuận thị trường tiếp tục mở rộng. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 gần như kết thúc với tăng trưởng tổng lợi nhuận trên sàn HOSE là 23,1% so với cùng kỳ (tăng trưởng ở quý I/2024 là 4,8%) và tăng 17,5% so với quý trước (cao hơn tốc độ tăng trưởng 6,6% ở quý I).
SSI cho rằng, thị trường biến động mạnh hơn trong những phiên đầu tháng 8 khi xuất hiện các biến số rủi ro mới như lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái khi các dữ liệu về sản xuất và thị trường lao động được công bố suy yếu; Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 0,1% lên 0,25%, tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán nước này. Các tài sản rủi ro; trong đó có cổ phiếu bị bán mạnh ở hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới; trong đó có Việt Nam.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, một số chuyển biến về nền tảng cơ bản theo hướng tích cực có thể đã bị bỏ qua do yếu tố tâm lý chi phối như rủi ro tỷ giá giảm dần khi đồng USD quay lại suy yếu; xu hướng phục hồi lợi nhuận theo quý vẫn tốt và định giá thị trường ở mức 11,27 lần trên P/E (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) ước tính một năm sẽ về mức hấp dẫn hơn khi giá tiếp tục điều chỉnh.
Trong danh sách theo dõi của SSI, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đang có định giá ước tính 1 năm thấp hơn so với bình quân 5 năm như nhóm tiêu dùng, nhóm tài chính, nhóm công nghiệp, nhóm bất động sản.
Riêng nhóm công nghệ thông tin có định giá mở rộng trong thời gian gần đây, nhưng vẫn được hỗ trợ tốt bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bền vững và bảng cân đối lành mạnh.
Văn Giáp-Link gốc