Các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã công bố thỏa thuận gia hạn tài trợ cho chính phủ liên bang đến giữa tháng 12, nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng cửa Nhà Trắng chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22/9, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã công bố thỏa thuận gia hạn tài trợ cho chính phủ liên bang đến giữa tháng 12, nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng cửa Nhà Trắng chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống.
Trong bối cảnh nguồn tài trợ dành cho Chính phủ Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 30/9/2024 và Quốc hội nước này vẫn chưa đạt được thỏa thuận về ngân sách cả năm, một biện pháp tạm thời được nhiều người mong đợi.
Đảng Cộng hòa suốt nhiều tuần qua đã duy trì quan điểm cho rằng mọi quyết định gia hạn tài trợ chính phủ đều phải gắn với các yêu cầu mới, theo đó cử tri phải chứng minh quyền công dân. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu về dự luật kết hợp các điều khoản bầu cử với việc gia hạn tài trợ thêm 6 tháng đã thất bại hôm 18/9 tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Thỏa thuận mới được công bố không bao gồm các điều khoản bầu cử và chỉ gia hạn tài trợ cho chính phủ liên bang đến ngày 20/12. Dự luật mà Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu trong tuần này cũng sẽ bổ sung 231 triệu USD cho Cơ quan Mật vụ Mỹ, mức tăng lớn sau 2 nỗ lực ám sát ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump. Dự luật cũng cung cấp 47 triệu USD tài trợ bổ sung cho an ninh ở Washington cho lễ nhậm chức tổng thống.
Những diễn biến trên cho thấy Quốc hội Mỹ vẫn phải đối mặt với thời hạn thậm chí còn cấp bách hơn vào ngày 1/1/2025, bởi khi đó, các nhà lập pháp sẽ phải nâng trần nợ công hoặc phải đối mặt với nguy cơ không thể thanh toán khoản nợ lên tới hơn 35.000 tỷ USD của chính phủ liên bang.
Việc chính phủ ngừng hoạt động có thể dẫn đến đóng cửa các cơ quan liên bang và công viên quốc gia, hạn chế các dịch vụ công và khiến hàng triệu nhân công tạm nghỉ việc và không được trả lương chỉ vài tuần trước bầu cử.
Lần gần đây nhất, Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần là vào cuối năm 2018 khi ông Donald Trump còn làm tổng thống.
Phan An-Link gốc