Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) ngày 26/9 thông báo tỷ lệ người nghèo ở nước này gia tăng đáng kể, lên tới 52,9% trong tổng số 47,3 triệu dân, cao hơn nhiều so với mức 41,7% vào cuối năm ngoái. Đáng chú ý, tỷ lệ đói nghèo cùng cực chiếm tới 18,1% dân số.
Tổng thống Argentina Javier Milei phát biểu tại Buenos Aires, ngày 19/11/2023. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, thống kê của INDEC là đòn giáng mạnh vào uy tín chính quyền của Tổng thống Javier Milei sau gần 10 tháng cầm quyền. Tỷ lệ người nghèo tại nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh tăng vọt từ đầu năm tới nay chủ yếu do thu nhập của người dân giảm đáng kể sau khi chính phủ phá giá tới 50% đồng peso nội tệ, áp dụng triệt để chính sách “thắt lưng buộc bụng” hà khắc nhằm loại bỏ thâm hụt ngân sách và kiềm chế lạm phát kéo dài trong nhiều năm.
Trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Argentina tiếp tục đà suy thoái và suy giảm 3,4%, với mức lạm phát cao hàng đầu thế giới lên tới 236%, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 7,6%. Giá lương thực, thực phẩm, điện, nước, khí đốt và giao thông vận tải cũng như nhiều mặt hàng thiết yếu khác tăng vọt sau khi chính phủ cắt giảm trợ giá khiến cuộc sống của người dân trở nên vô cùng khó khăn.
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Phủ Tổng thống Manuel Adorni cho rằng thực trạng khó khăn hiện nay của Argentina là do những chính sách của chính phủ tiền nhiệm và là hậu quả của chủ nghĩa dân túy kéo dài trong nhiều năm. Theo ông, biện pháp tốt nhất để chống đói nghèo là kiềm chế lạm phát, đồng thời dẫn chứng chính phủ hiện nay đã giảm mức lạm phát từ 25,5% trong tháng 12/2023 xuống 4,2% vào tháng 8 vừa qua.
Các chuyên gia dự báo nền kinh tế Argentina nhiều khả năng suy giảm 3% trong năm nay, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 26/9 nhận định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể sụt giảm 4% trong năm 2024 và sẽ chỉ hồi phục vào năm 2025 với mức tăng 5%.
Diệu Hương (TTXVN)
Link gốc