Dù số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng, nhưng tốc độ phát triển chậm lại và tỷ lệ doanh nghiệp rút lui cao đặt ra dấu hỏi về sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Để bứt phá vào năm 2025, việc cải cách thể chế, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những chìa khóa then chốt.
Năm 2024 ghi nhận hơn 157,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1.547,0 nghìn tỷ đồng và gần 1.001,5 nghìn lao động. Cả ba chỉ số trên đều sụt giảm so với năm 2023, lần lượt giảm 1,4% về số doanh nghiệp, 1,8% về vốn đăng ký và 5,4% về lao động. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 197,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,7%.
Những con số biết nói
Theo Tổng cục Thống kê, tuy còn hiện hữu nhiều khó khăn nhưng bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2024 nhìn chung vẫn có những điểm sáng.
Một trong những điểm sáng đó là số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt mức cao nhất từ trước đến nay với gần 76,2 nghìn doanh nghiệp, cho thấy tín hiệu lạc quan về sức sống của khối doanh nghiệp đã từng rời khỏi thị trường.
Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường các năm giai đoạn 2017 - 2024.
Cũng nhờ vậy mà tính chung cả năm, cả nước có hơn 233,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với năm 2023 và gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, nhìn vào những số liệu trên, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn không khỏi lo lắng.
Nhận định tốc độ phát triển doanh nghiệp năm 2024 chậm hơn rõ rệt so với các năm trước, bà Thảo cho biết, giai đoạn trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới và quay lại hoạt động so với doanh nghiệp rút lui thường dao động từ 3 đến 4 lần. Thậm chí trong giai đoạn COVID-19, con số này vẫn đạt trên 3 lần. Tuy nhiên, năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống 1,26 lần, và đến năm 2024, chỉ còn 1,2 lần.
“Rõ ràng mức độ phát triển doanh nghiệp của chúng ta đang chậm lại”, TS Nguyễn Minh Thảo quan ngại.
TS Nguyễn Minh Thảo (người đứng) phát biểu tại toạ đàm ngày 3/1.
Sự suy giảm này phản ánh những thách thức sâu sắc đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp; trong nước, môi trường đầu tư kinh doanh còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao phần lớn nhờ vào kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng và hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài bất ổn với tình hình chính trị kinh tế thế giới, những xu hướng liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế đã và đang là rào cản lớn của quá trình xuất khẩu hàng hóa trong nước.
Đặc biệt, tốc độ tiêu dùng trong nước đang tăng chậm hơn so với tăng trưởng xuất khẩu và du lịch khiến các doanh nghiệp sản xuất hướng vào thị trường trong nước phải đối mặt với khó khăn do người dân vẫn thắt chặt chi tiêu.
Trong lĩnh vực bất động sản, dù có tín hiệu tích cực, song thị trường này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn làm cho hệ thống doanh nghiệp trong lĩnh vực này (gồm vật liệu xây dựng, dịch vụ bất động sản) lúc đầu còn cầm cự nhưng sau đó ngày càng nhiều doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường.
Làm gì để tiếp sức cho doanh nghiệp?
Các chuyên gia dự báo bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2025 tiếp tục khó đoán định với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Các quốc gia có xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại và nới lỏng tiền tệ, gây áp lực lên các doanh nghiệp phụ thuộc xuất khẩu.
Trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, do cộng đồng doanh nghiệp nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang đối mặt với tình trạng sức mua yếu, niềm tin kinh doanh suy giảm và chi phí đầu vào tiếp tục leo thang. Khả năng chống chịu của doanh nghiệp suy giảm đáng kể; hoạt động đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng do những hậu quả nặng nề bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm về đích của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021- 2025, đồng thời chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, Tổng cục Thống kê cho rằng yếu tố đầu tiên cần đẩy mạnh là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.
Trong đó, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về cá nhân kinh doanh theo hướng thừa nhận là một bộ phận của kinh tế tư nhân tại Việt Nam thông qua việc bổ sung mô hình cá nhân kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế chia sẻ thông tin doanh nghiệp giữa cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, từ đó Chính phủ có thông tin để xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Ngoài ra, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, vốn và lãi suất cũng là một trong những nội dung hàng đầu được các doanh nghiệp kiến nghị.
Theo các chuyên gia, năm vừa qua đánh dấu sự nổi lên mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh và bền vững. Việc đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát thải mà còn mở ra cơ hội cạnh tranh trong các thị trường khắt khe như EU và Mỹ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ.
Trao đổi với Vnbusiness liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mô hình chuyển đổi xanh, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp muốn chuyển đổi công nghệ. Theo bà Ngân, điều này đặc biệt quan trọng khi các doanh nghiệp cần thay đổi thiết bị để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững.
“Đầu tư vào công nghệ mới thường đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian hoàn vốn lâu. Việc hỗ trợ lãi suất ưu đãi là rất cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả sản xuất”, vị chuyên gia nhận định.
Chung quan điểm, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, để có được đơn hàng, từ quá trình xây dựng dự án, các doanh nghiệp đã phải chứng minh năng lực tài chính rồi. Nếu không có ngân hàng "đi bên cạnh", doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp điện tử mong muốn Chính phủ có những chính sách hỗ trợ hình thành các tập đoàn công nghệ lớn, có thể dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành đi lên.
“Cộng đồng doanh nghiệp đang thiếu một “doanh nghiệp đầu đàn” có sức ảnh hưởng, quy mô đủ lớn, có công nghệ và sản xuất mang tính dẫn dắt để tạo được một chuỗi cung ứng nội địa. Đó là điều chúng tôi thực sự kỳ vọng”, bà Hương cho hay.
Link gốc