Một phiên đáo hạn phái sinh bình yên, thậm chí là khá tích cực nếu nhìn từ diễn biến kéo điểm số cuối ngày cũng như độ rộng duy trì khả quan suốt cả ngày. Mặc dù VN-Index có thể chao đảo đôi chút trong phiên, nhưng dòng tiền vẫn lựa chọn đích đến cụ thể. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản hôm nay nhiều mã vẫn rất khỏe...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh phiên giao dịch đêm qua đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư tại thị trường trong nước.
Trên sàn thành Hồ Chí Minh, trong phiên giao dịch sáng, thị trường diễn biến tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế, chỉ số VN-Index có lúc “đội” trên 9 điểm, lên trên mức 1.245 điểm nhờ sự lên giá của cổ phiếu lớn, đặc biệt là VCB (Vietcombank) và nhóm chứng khoán.
Tuy nhiên sau đó, đà tăng chững lại bởi nhóm blue-chips hạ độ cao. Hết giờ giao dịch sáng, VN-Index tạm dừng ở mức 1.239,53 điểm, tăng 3,34 điểm.
Sang phiên buổi chiều, lúc đầu thị trường duy trì mức tăng thấp, thậm chí có thời điểm chỉ số đại diện sàn hiện sắc đỏ. Tuy nhiên, về cuối phiên, cổ phiếu chủ chốt trở lại đã giúp thị trường tăng điểm khá.
Chốt phiên, VN-Index tăng 6,18 điểm (0,5%), lên mức 1.242,36 điểm; VN30-Index đạt 1.303,25 điểm sau khi “đội” 5,61 điểm (0,43%).
Cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế với 222 mã đi lên, 150 mã đi xuống. Tại nhóm VN30, số mã tăng-giảm giá lần lượt là 22 mã và 3 mã.
Phiên này, nhóm cổ phiếu trụ cột diễn biến tích cực. Trong 10 mã có mức vốn hóa lớn nhất chỉ 2 mã đứng giá, còn lại đều hiện sắc xanh.
Xét về nhóm ngành, phần lớn các ngành tăng điểm; trong đó viễn thông, dịch vụ tài chính, chứng khoán, vận tải là những ngành diễn biến nổi bật nhất. Tại nhóm chứng khoán, hầu hết cổ phiếu tăng giá, trong đó VND tăng hết biên độ, góp mặt vào nhóm 10 mã có tác động mạnh nhất đến thị trường.
Tuy nhiên, đóng góp nhiều nhất vào chỉ số VN-Index là nhóm ngân hàng khi có tới 5 mã nằm trong top 10 mã đóng góp nhiều nhất vào chỉ số, trong đó riêng mã có mức vốn hóa thị trường VCB đóng góp tới gần 1,8 điểm khi tăng giá 1,42%.
Thanh khoản cải thiện so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp. Toàn sàn có hơn 13.300 tỷ đồng được sang tay. Nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mức bán ròng rất lớn với hơn 3.099 tỷ đồng trên sàn HoSE, chỉ đứng sau phiên ngày 29/10/2024 với 5.104 tỷ đồng. Điểm may mắn là đại đa số quy mô bán này thực hiện qua thỏa thuận nên không ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu trên sàn. VIC là ví dụ, bị bán ròng hơn 2040 tỷ đồng trong khi tổng khớp chỉ 80,5 tỷ đồng. Cung cầu khớp lệnh mới là yếu tố ảnh hưởng đến giá, VIC đóng cửa vẫn tăng 0,5% so với tham chiếu. FPT cũng vậy, bị bán ròng 187,2 tỷ, giá vẫn tăng 0,69%. STB tương tự, dù bị rút đi -126,8 tỷ đồng ròng thì giá vẫn tăng 1%. SSI, CTG, HPG, HDB, VCB, DGC… giá vẫn khá ổn dù bị bán ròng.
Trên sàn Hà Nội, chốt phiên, HNX-Index tăng 1,3 điểm (0,59%), lên mức 220,84 điểm; HNX30-Index dừng ở mức 456,04 điểm, tăng 3,59 điểm (0,79%). Toàn sàn có trên 650 tỷ đồng được sang tay.
Link gốc