Câu chuyện tập đoàn của tỷ phú Thái Lan đang quyết tâm mua gom cổ phiếu của Vinamilk, cũng như vừa hoàn tất thương vụ Sabeco mua lại Sabibeco, là chỉ dấu ngành hàng đồ uống ở Việt Nam vẫn có sức hút rất lớn đối với họ. Các doanh nghiệp khối nội trong ngành hàng này nên củng cố nội lực nếu không muốn khối ngoại làm chủ “cuộc chơi”.
Như thông tin đưa ra vào ngày 15/1, F&N Dairy Investments PTE. Ltd - một công ty có trụ sở ở Singapore liên quan tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đã có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán về việc đăng ký mua thêm cổ phiếu của Vinamilk (VNM).
Từ “cửa sáng” ngành sữa và bia
Nếu giao dịch thành công, F&N Dairy Investments sẽ nâng sở hữu từ hơn 369,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 17,69% vốn của VNM lên 18,69%. Đáng chú ý, năm ngoái cổ đông ngoại này đã có nhiều lần đăng ký mua VNM để nâng tỷ lệ sở hữu nhưng đều thất bại.
Các DN sản xuất đồ uống thuộc khối nội cần củng cố nội lực để tránh tình cảnh khối ngoại làm chủ “cuộc chơi”.
Sức hấp dẫn của VNM đối với nhà đầu tư ngoại có thể thấy rõ khi đang chiếm khoảng 44% thị phần trên thị trường sữa Việt Nam, giữ vững vị trí dẫn đầu. Chưa kể, công ty này còn mở rộng thị trường quốc tế, trong đó thị trường chính là các quốc gia Trung Đông, hiện chiếm gần 85% doanh thu xuất khẩu.
Nhận định mới đây về VNM, trên cơ sở thận trọng, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VPBank kỳ vọng doanh thu của VNM sẽ đạt 61,8 nghìn tỷ và 63,1 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng hơn 2% trong năm 2024 và 2025. Không chỉ vậy, giá trị lợi nhuận gộp trong năm 2024 và 2025 được kỳ vọng sẽ đạt lần lượt 25,4 nghìn tỷ và 26 nghìn tỷ, tương đương với mức tăng trưởng lần lượt là 3,3% và 2,4%.
Còn đánh giá về triển vọng ngành sữa trong năm 2025, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Junan kỳ vọng ngành này sẽ được thúc đẩy bởi sự phát triển của nền kinh tế “tóc bạc” đang nổi lên, nhận thức về sức khỏe ngày càng tăng.
Trên thực tế, tình trạng dân số già của Việt Nam đang dần gia tăng qua các năm đi kèm với thu nhập bình quân gia tăng. Điều này có thể giúp người dân chú trọng đến yếu tố sức khỏe, từ đó góp phần tăng sức tiêu thụ mặt hàng sữa.
Phía Junan dẫn số liệu Euromonitor từ hơn 2 năm trước cho thấy ngành sữa Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trong nước và phải nhập khẩu, cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành.
Hơn nữa, trong năm 2025 được dự báo giá bán sữa có thể sẽ ổn định hơn năm 2024 với tỷ lệ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ có thể sẽ đạt 1,8%. Tiếp tục xu hướng tăng trưởng của các năm trước, dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, là một trong những động lực tăng trưởng cho ngành này. Giá trị tiêu thụ sữa/người/năm của Việt Nam ghi nhận tăng đều qua từng năm khi từ mức 1,2 triệu đồng năm 2019 đã tăng lên 1,37 triệu đồng năm 2023 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025 này.
Ngoài triển vọng “có cánh” ở ngành sữa khiến cho F&N Dairy Investments PTE. Ltd muốn mua thêm cổ phiếu của VNM, cần kể thêm việc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - với sự chi phối về cổ phần từ tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, trong tháng 12/2024 đã hoàn tất thương vụ mua lại Sabibeco (SBB), nổi tiếng với thương hiệu bia Sagota, chính thức biến Sabibeco thành công ty con của Sabeco.
Theo giới phân tích, sản lượng kết hợp từ Sabeco và Sabibeco sẽ giúp Sabeco vượt Heineken trở thành nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam với công suất sản xuất ước tính lên tới 3,01 tỷ lít mỗi năm.
Và thị phần của Sabeco được kỳ vọng tăng lên 35% trong năm 2025 do bắt đầu chuyển hướng sang các sản phẩm phù hợp thị hiếu hơn, cũng như năng lực sản xuất có thể mở rộng thêm 1 – 2% sau thương vụ sáp nhập SBB.
Đến củng cố nội lực cho khối nội
Cần nhắc lại, sau hơn 8 năm thâu tóm Sabeco, tập đoàn Thai Bevrage đã thu về hơn 12.000 tỷ đồng cổ tức. Còn với trường hợp của VNM, dù không nắm quyền chi phối nhưng phía F&N Dairy Investments PTE. Ltd vẫn đều đặn nhận cổ tức cao khoảng 40-60% hàng năm (từ khi bắt đầu gián tiếp nắm cổ phần tại VNM năm 2013 đến nay, tỷ phú Thái Lan đã bỏ túi gần 15.000 tỷ đồng cổ tức).
Từ đó cho thấy với khả năng chi trả cổ tức cao, đều đặn hàng năm (nhờ có doanh thu và lợi nhuận khá ổn định hàng năm) chính là một trong những yếu tố hấp dẫn khối ngoại thâu tóm cổ phần ở những DN sản xuất hàng đầu trong ngành sữa hay ngành bia ở Việt Nam.
Thực ra, vẫn có không ít thách thức với ngành bia, như quy định nghiêm ngặt của Chính phủ về quảng cáo và tiêu thụ rượu bia. Nhưng điều đó không làm khối ngoại nao núng. Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS, tiêu thụ bia kỳ vọng hồi phục trong năm 2025 do người tiêu dùng đã quen với chính sách về nồng độ cồn và thu nhập bắt đầu hồi phục.
Hiện nay thị trường bia Việt Nam được xem như khối ngoại làm chủ “cuộc chơi”, trong đó chủ yếu do Heineken và Sabeco chi phối. Heineken dẫn đầu với 43% và Sabeco đạt 33,9% thị phần tính đến năm 2023. Mặc dù hai thương hiệu này chiếm ưu thế trên thị trường, nhưng sự hiện diện của các thương hiệu quốc tế khác cũng đang tăng dần.
Cùng với triển vọng ở ngành sữa và bia, xét chung với ngành hàng đồ uống nói chung ở Việt Nam, thị trường năm 2025 hứa hẹn sẽ là một cuộc đua đầy sôi động và hấp dẫn. Theo Statistics, doanh thu từ thị trường này đạt 8,78 tỷ USD, trong đó doanh thu từ kênh bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) chiếm 7,11 tỷ USD và doanh thu từ kênh ngoài gia đình (nhà hàng, quán bar) chiếm 1,67 tỷ USD.
Với sức hút lớn của ngành hàng đồ uống, sẽ khó tránh khỏi sự dòm ngó của khối ngoại trong việc thâu tóm thị phần thông qua việc nắm cổ phần chi phối ở những doanh nghiệp (DN) hàng đầu. Nếu không muốn “bán mình” cho khối ngoại làm chủ “cuộc chơi”, đòi hỏi các DN của khối nội trong ngành hàng này cần phải củng cố nội lực để có thể trụ vững.
Theo giới chuyên gia, các DN của khối nội trong ngành hàng đồ uống cần vượt qua rào cản về thương hiệu, công nghệ và nguồn lực tài chính để cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại. Sự hỗ trợ từ phía nhà nước về vốn, công nghệ và thị trường cũng là yếu tố quan trọng để cho họ có thể phát triển bền vững.
Nhất là các DN khối nội cần đa dạng hóa, cơ cấu lại sản phẩm đồ uống, cũng như đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới. Họ cũng cần cấu trúc lại hoạt động quản trị, sản xuất kinh doanh để tiết giảm chi phí, từ đó giúp giảm giá thành sản phẩm, duy trì thị trường. Đặc biệt là xây dựng các phương án dự phòng rủi ro nhằm phản ứng kịp thời, linh hoạt với những biến động, để có thể giảm thiểu tác động tiêu cực trước sức ép từ khối ngoại.
Thế Vinh-Link gốc