Theo hãng tin Bloomberg, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni vẫn đang theo đuổi một kỳ tích về kinh tế Italy, đó là ngày càng được các nhà đầu tư tin tưởng.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy tiếp tục năm cầm quyền thứ ba với tỷ lệ ủng hộ còn cao hơn cả khi bà lên nắm quyền, kỷ nguyên ổn định chính trị của Italy đang được các thị trường tài chính hoan nghênh. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy và Đức ngày càng thu hẹp.
Chênh lệch về lợi suất trái phiếu, thước đo rủi ro khu vực bao gồm mức độ nghi ngờ của nhà đầu tư đối với tình hình tài chính công, từ lâu đã là thách thức đối với giới lãnh đạo chính trị Italy. Bản thân Thủ tướng Meloni đã cảm nhận được ảnh hưởng của điều này khi bà giữ chức Bộ trưởng Thanh niên trong chính phủ do cố Thủ tướng Silvio Berlusconi lãnh đạo cho đến năm 2011.
Do đang lãnh đạo một quốc gia có tốc độ tăng trưởng vượt xa Đức, với một liên minh cầm quyền ổn định và một bộ máy ngân hàng đủ mạnh để có thể mua lại các đối thủ ở nước ngoài, Thủ tướng Meloni nổi bật như một “ngọn hải đăng” về quyền lực ở châu Âu.
Ông Ella Hoxha, một cán bộ quản lý tại Newton Investment Management, người sở hữu trái phiếu Italy, chia sẻ: "Tôi có thể thấy Italy sẽ thắt chặt tài chính hơn. Đây chắc chắn là một việc tốt”.
Theo dữ liệu mới nhất, mức chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ của Italy và trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đạt khoảng 117 điểm cơ bản vào ngày 19/12/2024. Trước đó, chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm, ở mức 106 điểm cơ bản hồi đầu tháng 12/2024. Con số này giảm đáng kể so với mức 258 điểm cơ bản vào thời điểm ngay sau khi Thủ tướng Meloni nhậm chức vào tháng 9/2022.
Sự cải thiện này càng đáng chú ý khi Italy trong năm qua phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn, do lịch sử dài hạn về những thách thức trong quản lý tài chính công.
Cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi. Ảnh: THX/TTXVN
Việc nới lỏng tài khóa được đưa vào ngân sách năm 2024 đã khiến chênh lệch lợi suất trái phiếu tăng lên vào tháng 10/2024. Trước đó, vào tháng 4/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng xu hướng giảm nợ kéo dài nhiều năm đang có nguy cơ đảo chiều. Đồng thời, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan phụ trách giám sát kỷ luật tài khóa trong khu vực, cũng bày tỏ lo ngại tương tự.
Tuy nhiên, Thủ tướng Giorgia Meloni đã khéo léo xoa dịu những yêu cầu từ các đối tác trong liên minh về việc thực hiện các cam kết tốn kém với cử tri, đồng thời đạt được sự đồng thuận trong chính phủ về lộ trình thâm hụt ngân sách. Lộ trình này đặt mục tiêu đưa Italy tiến gần hơn tới yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) là giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025.
Nền tảng cho sự ổn định này được đặt ra từ thời cựu Thủ tướng Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu. Dưới sự lãnh đạo của ông, Italy đã xây dựng một chiến lược tài chính vững chắc để phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Meloni còn được hưởng lợi từ những thay đổi tích cực trong hồ sơ nợ quốc gia — hiện vẫn ở mức trên 130% GDP — cùng với dòng tiền hàng chục tỷ euro từ quỹ phục hồi của EU, vốn được khởi động dưới thời ông Draghi. Nhờ vậy, Italy gần đây đạt mức tăng trưởng kỷ lục và trở nên nổi bật với việc vượt qua các kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia đánh giá tín dụng đã ghi nhận những tiến bộ của Italy. Sau khi Thủ tướng Giorgia Meloni thành công trong việc thuyết phục cơ quan xếp hạng Moody's Ratings từ bỏ việc đe dọa hạ bậc tín nhiệm của Italy xuống mức thấp đầy rủi ro vào tháng 11/2023, Fitch Ratings cũng đã đưa ra triển vọng tích cực cho nước này trong những tháng gần đây.
Chuỗi tin tốt lành này, cùng với chính sách chủ nghĩa dân tộc kinh tế mang dấu ấn của Thủ tướng Meloni — nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nội địa trước sự can thiệp từ nước ngoài — đang khuyến khích nhiều công ty Italy vươn ra thị trường quốc tế. Điển hình là UniCredit, ngân hàng lớn thứ hai của Italy, đã đấu thầu mua lại Commerzbank AG, động thái gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Chính phủ Đức.
Tuy nhiên, Thủ tướng Meloni hiểu rằng chặng đường phía trước còn nhiều thách thức. Italy sẽ phải thực hiện các cam kết tài chính một cách nghiêm túc, nếu không sẽ đối mặt với những hậu quả tương tự như Pháp hiện nay, nơi đang mất dần lòng tin của các nhà đầu tư. Các quyết định khó khăn về tài chính công sẽ xuất hiện vào năm 2025, khi chính phủ phải đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% GDP vào năm 2026.
Dương Hoa-Link gốc