Các đợt phát hành trái phiếu quy mô lớn của các doanh nghiệp hàng đầu đang tạo ra sức hút lớn đối với nhà đầu tư. Điều này cho thấy trái phiếu doanh nghiệp ngày càng trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn.
Các cơ quan quản lý Nhà nước đang tạo ra môi trường hấp dẫn nhưng cũng đảm bảo tính thực thi về mặt pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Những đợt phát hành trị giá ngàn tỷ đồng
Mới đây, trong tháng 11/2024, Techcombank đã phát hành thành công lô trái phiếu có trị giá 3.700 tỷ đồng, với lãi suất chỉ 5% và đáo hạn vào cuối năm 2027. Ngân hàng này cũng dẫn đầu thị trường về giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất trong tháng 11.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), lũy kế 11 tháng năm 2024, Techcombank đã phát hành gần 36.000 tỷ đồng trái phiếu.
Cũng trong tháng 10 và tháng 11, một ông lớn khác là ACB phát hành thành công 5.000 tỷ đồng cho 3 lô trái phiếu tháng 11. Lãi suất của 3 lô trái phiếu này chỉ 5%. Các ngân hàng MSB và OCB cũng lần lượt phát hành thành công 1.500 và 1.000 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất 5%. Không đứng ngoài cuộc, HDB phát hành thành công 4.210 tỷ đồng.
Có thể thấy, tháng 11 là sân chơi phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu phát hành thành công đã chứng minh sức hấp dẫn của trái phiếu nếu như doanh nghiệp thực thi chiến lược kinh doanh hiệu quả, chứng minh được năng lực tài chính cũng như uy tín thương hiệu và khả năng sinh lời của dự án đầu tư.
Nhưng không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng thành công trong việc phát hành trái phiếu. Vinhomes đã huy động được 2.000 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất hấp dẫn và rất cao so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 12% với kỳ hạn 3 năm.
Một cái tên khác trong lĩnh vực bất động sản là Công ty Đầu tư và Du lịch Vạn Hương cũng đã huy động được 1.998 tỷ đồng với lãi suất 10%, Nam Long cũng nhận được 1.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu với lãi suất 10,1%,... Tất cả đợt huy động này đều diễn ra trong tháng 11/2024.
Ngân hàng có lợi thế về xếp hạng tín nhiệm nên dễ có được sự tin tưởng của nhà đầu tư trong việc phát hành trái phiếu. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Dấu hiệu tích cực đối với thị trường
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định việc các ngân hàng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu giúp họ đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn.
Đồng thời, việc phát hành trái phiếu cũng góp phần gia tăng sự giám sát của thị trường đối với hoạt động của các ngân hàng. Xét về điểm này, đây có thể xem là dấu hiệu tích cực đối với thị trường cũng như hệ thống ngân hàng.
"Sức hấp dẫn của trái phiếu do ngân hàng phát hành còn đến từ lợi thế về xếp hạng tín nhiệm so với các ngành khác nên dễ có được sự tin tưởng của nhà đầu tư. Ngoài ra, cùng với việc phát hành trái phiếu với đa dạng kỳ hạn và cơ chế lãi suất, một số ngân hàng còn cung cấp các sản phẩm hỗ trợ như cho vay cầm cố trái phiếu do chính ngân hàng phát hành.
Điều này tạo nên sự hấp dẫn cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn trái phiếu ngân hàng như một sản phẩm hiệu quả để bổ sung vào danh mục đầu tư", tiến sĩ Bình đánh giá.
Theo giới phân tích, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn còn trong tình trạng kinh doanh khó khăn nên khó phát hành trái phiếu. Nhưng vẫn có điểm sáng với nhóm các doanh nghiệp bất động sản có sự phục hồi ổn định về tình hình kinh doanh và có khả năng đáp ứng các quy định mới của thị trường sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn hơn thông qua việc phát hành trái phiếu.
Một thống kê từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 50 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 11, với tổng giá trị phát hành đạt 44,6 ngàn tỷ đồng.
Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục hấp dẫn trong thời gian tới, đây sẽ là tiền đề quan trọng để gia tăng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital, doanh số bán trước của các đơn vị nhà ở mới tăng khoảng 40% trong năm 2024. Điều này sẽ giúp tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành lên khoảng 20% vào năm 2025.
Nhu cầu về nhà ở mới tại Việt Nam hiện vượt quá nguồn cung với tỷ lệ 2:1 và hy vọng rằng các cải cách pháp lý gần đây sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án, qua đó giúp tăng trưởng lợi nhuận của các nhà phát triển bất động sản trong những năm tới.
Trong ngắn hạn, nhu cầu đối với các sản phẩm nhà ở tầm trung (khoảng 1.500-2.000 USD/m2) đang rất mạnh và có nhiều dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ trong phát triển bất động sản vẫn sẽ tiếp diễn.
Theo Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings, tổng giá trị trái phiếu chậm trả trên toàn thị trường đạt khoảng 189,4 ngàn tỷ đồng từ tháng 4/2022 đến tháng 11/2024. Nhìn chung, tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 11/2024 giữ ở mức 15,3%. Nhóm năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 44%, trong khi nhóm bất động sản nhà ở chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả.
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được đánh giá có tiềm năng trong thời gian tới. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Nỗ lực tạo sự hấp dẫn hơn cho thị trường trái phiếu
Các cơ quan quản lý Nhà nước đang nỗ lực tạo sự hấp dẫn hơn cho thị trường trái phiếu. Vào những tháng cuối năm 2024, Chính phủ đã đề xuất sửa đổi một số quy định để nhà đầu tư cá nhân vẫn được mua trái phiếu riêng lẻ với điều kiện doanh nghiệp phát hành phải xếp hạng tín nhiệm, có tài sản đảm bảo và sự bảo lãnh của ngân hàng. Quy định này đã có hiệu lực ngay đầu năm 2025.
Theo giới phân tích, những biện pháp này một mặt tăng cường sự an toàn cho khoản đầu tư của nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro mất vốn. Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân có thêm nhiều lựa chọn đầu tư đa dạng hơn, không chỉ giới hạn ở các kênh truyền thống như gửi tiết kiệm.
Doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, không còn quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng. Đồng thời, nguồn vốn huy động từ thị trường trái phiếu sẽ được sử dụng để đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích Mirae Asset cho rằng vẫn còn đó nhiều nỗi lo phía trước khi thời gian ân hạn cho các trái phiếu được tái dời thời hạn thanh toán theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ dần hết hạn, tạo ra rủi ro về chất lượng tài sản cho ngân hàng và thách thức thanh khoản hệ thống trong nửa đầu năm 2025. Đặc biệt khi các ngành bất động sản, xây dựng và năng lượng vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh cũng như về áp lực tái cấp vốn.
Theo tiến sĩ Bình, để thị trường trái phiếu phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn, cần tiếp tục tập trung tăng cường tính minh bạch, như hoàn thiện các cơ chế liên quan đến việc xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, triển khai và hoàn thiện hệ thống giao dịch tập trung. Đồng thời, cần phát triển các công cụ bảo hiểm và quản lý rủi ro để giúp giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Chính phủ có thể nghiên cứu và phát triển công cụ hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS). Đây là công cụ giúp bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu trước rủi ro tín dụng bằng cách cho phép họ hoán đổi hoặc bù đắp rủi ro với người bán CDS, thường là một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.
"Các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra các quy định hợp lý để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các quy định mới cần được nghiên cứu, phản biện, đánh giá tác động và có lộ trình phù hợp để triển khai. Cần khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm trái phiếu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau tham gia thị trường trái phiếu, từ đó tăng tính thanh khoản và sự ổn định cho thị trường", tiến sĩ Bình nói.
Các chuyên gia tai Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings cho biết vào ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Các sửa đổi này là có lợi cho trái chủ thông qua việc ngăn chặn vi phạm từ các tổ chức phát hành trái phiếu, hạn chế hoạt động đầu tư có rủi ro cao, áp dụng bắt buộc các công bố thông tin kịp thời và xếp hạng tín nhiệm để cải thiện kỷ luật thị trường.
Việc bảo vệ nhà đầu tư và tăng trưởng bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ thúc đẩy niềm tin thị trường được cải thiện và hoạt động phát hành sôi động hơn trong năm 2025.
(Theo Pháp Luật TP. HCM)
Phương Minh-Link gốc