• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.263,26 -11,94/-0,94%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.263,26   -11,94/-0,94%  |   HNX-INDEX   227,97   -1,52/-0,66%  |   UPCOM-INDEX   96,63   -0,61/-0,62%  |   VN30   1.330,88   -9,92/-0,74%  |   HNX30   469,89   -5,99/-1,26%
10 Tháng Hai 2025 11:14:15 CH - Mở cửa
Để doanh nghiệp không ‘khó thở’ trước nỗi lo gánh nặng chi phí
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 10/02/2025 8:49:04 SA

Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất sẽ phần nào giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính trong năm 2025 này. Nhưng như thế có lẽ vẫn chưa đủ, rất cần tiếp tục có thêm chính sách tiếp sức, ứng phó linh hoạt hơn để doanh nghiệp không “khó thở” trước những biến động khó lường có thể làm đội chi phí vào thời gian tới.

Tình trạng tăng giá thuê đất quá cao đang là mối băn khoăn lớn của các doanh nghiệp (DN) trong nước lẫn các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đơn cử như tại “thủ phủ công nghiệp” Đồng Nai, sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025, chính quyền tỉnh này đã phải nhóm họp với một số sở, ban, ngành để xem xét kiến nghị của các DN FDI trước việc tăng giá thuê đất trong các khu công nghiệp.

Từ thực trạng tăng tiền thuê đất

Cần nhắc lại, hồi tháng 11/2024, báo cáo của các sở, ban ngành trình UBND tỉnh Đồng Nai về các nội dung điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020-2025 thì có 4 khu công nghiệp được đề xuất điều chỉnh tăng từ 17- 43%. Chẳng hạn như bảng giá đất của Khu công nghiệp công nghệ cao Amata Long Thành là 2,8 triệu đồng/m2, tăng gần 22% so với đề xuất trước đó.

Việc tăng giá thuê đất trong các khu công nghiệp đang là mối lo của nhiều DN sản xuất.

Tại địa phương này, vốn là “cái nôi” về sản xuất công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong 5 năm trở lại đây giá thuê đất đã tăng ít nhất là 15 - 20 lần. Lẽ đương nhiên là DN sản xuất phải chi trả cho việc tăng giá này. Tuy vậy, việc tăng nhiều lần như thế phần nào ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư sản xuất công nghiệp.

Không riêng gì Đồng Nai, việc tăng giá thuê đất ở các địa phương khác theo bảng giá đất mới 2025 là điều làm cho DN sản xuất phải “cân não”. Điều đáng nói, mỗi địa phương tính giá thuê đất khác nhau, thậm chí có trường hợp hai địa phương ở cạnh nhau nhưng cách tính chênh nhau tới 30% - 40%.

Trước mối lo của các DN, trong thượng tuần tháng 2/2025, khi góp ý với Bộ Tài chính về Đề xuất xây dựng chính sách giảm tiền thuê đất năm 2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thống nhất với phương án xây dựng chính sách giảm tiền thuê đất năm 2025 của bộ này.

Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 1, xây dựng chính sách giảm tiền thuê đất năm 2025. Tức là giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2025. 

Cũng nên nhắc lại, chính sách giảm tiền thuê đất trong các năm từ 2021 đến 2024 đã mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế. Mức giảm tiền thuê đất của các năm trước là 30% và được đánh giá là hợp lý. Mức giảm này giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng vẫn được kiểm soát trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đề xuất giảm 30% tiền thuê đất trong năm nay có thể hợp lý ở một số địa phương có mức điều chỉnh vừa phải, nhưng đối với một số địa phương điều chỉnh bảng giá đất mới với mức tăng phi mã lên 3 con số, thì mức giảm như vậy là không đáng kể. 

Ở Tp.HCM, nhiều DN đang lo ngại việc áp dụng bảng giá đất mới gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phá vỡ tất cả các kế hoạch về dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận của họ. Nhất là mức tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất mới làm tăng chi phí thuê lên hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Ngoài mối lo như kể trên, trước nguy cơ bùng phát chiến tranh thương mại từ chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ, các nhà xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với việc cạnh tranh với thị trường xuất khẩu tại Mỹ. Không những vậy, Việt Nam có tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào rất lớn từ Trung Quốc, lại có nền sản xuất tiêu dùng dễ dàng bị Trung Quốc xâm nhập, có thể đứng trước áp lực phá giá đồng VND mạnh hơn so với năm 2024. Từ đó dư địa về chính sách tiền tệ và lãi suất gần như không còn, thậm chí có thể đứng trước áp lực gia tăng cả tỷ giá và lãi suất trong năm 2025. 

Đến áp lực đội chi phí trước rủi ro biến động

Vài ngày trước, khi dự báo về các yếu tố tác động năm 2025, Tổng cục Thống kê có đề cập đến một số yếu tố làm gia tăng lạm phát. Trong đó, đáng chú ý là xung đột quân sự ở một số quốc gia leo thang căng thẳng, diễn biến khó lường, có nguy cơ lan rộng. Cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt với chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát dài hạn khi các đối tác thương mại toàn cầu có hành động “trả đũa”. 

Ngoài ra, như lưu ý của Tổng cục Thống kê, các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.

Xét về một trong những yếu tố tạo nên áp lực lên lạm phát trong năm 2025, PGs. Ts Ngô Trí Long chỉ rõ yếu tố nội tại trong nước. Đó là chi phí nhập khẩu tăng, chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất có thể tăng lên theo giá thế giới và chịu tác động từ biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến chi phí và giá thành sản phẩm, tạo áp lực cho sản xuất của DN và đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, một khi chi phí đầu vào như nguyên liệu, năng lượng, và tiền lương tăng, DN buộc phải tăng giá bán sản phẩm để duy trì lợi nhuận, sẽ dẫn đến lạm phát.

Trong khi đó, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất. Cho nên, nếu như giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao trong năm nay sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành của các DN. Trong trường hợp USD tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu.

Chính vì vậy, vị chuyên gia này nhấn mạnh là cần tăng cường dự báo và phản ứng chính sách một cách chủ động và linh hoạt trong việc điều chỉnh các chính sách kinh tế khi có biến động.

Trong bối cảnh hiện nay, theo VCCI, rất cần có những chính sách hỗ trợ DN bứt phá trong sản xuất, đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh dự báo kinh tế năm 2025 đặt ra nhiều thách thức đối với xuất khẩu, áp lực lạm phát và chi phí nguyên liệu sản xuất tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Để tiếp sức cho DN vượt khó, ngay sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất chính sách giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp nhằm hỗ trợ DN.

Còn theo quan điểm của Tổng cục Thống kê, một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ. Hơn nữa, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Thế Vinh-Link gốc