Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp gỗ và nội thất đã chủ động đổi mới sản xuất và tích cực tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng.

Đóng gói lô hàng đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN
Triển vọng xuất khẩu trong năm 2025 của ngành gỗ rất khả quan nhưng biến động về chính sách thương mại ở các thị trường quan trọng như Mỹ và EU cũng tạo ra không ít thách thức cho mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp và cả ngành. Vì vậy, ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp gỗ và nội thất đã chủ động đổi mới sản xuất và tích cực tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng.
Công ty cổ phần Chế biến gỗ nội thất Thành Tâm (Bình Định) là doanh nghiệp đã có hơn 20 năm tham gia xuất khẩu đồ nội ngoại thất, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt 14 -15 triệu USD. Ông Nguyễn Văn Thu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ nội thất Thành Tâm cho biết, công ty tập trung vào các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Nhật Bản, EU và Australia. Mặc dù đã có những đối tác lâu năm và lượng đơn hàng khá ổn định nhưng doanh nghiệp cũng cảm nhận rõ những thách thức. Cụ thể, từ sau đại dịch COVID-19, mô hình kinh doanh truyền thống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại EU. Những năm gần đây doanh nghiệp tích cực chuyển hướng tiếp cận các thị trường còn nhiều dư địa, nhất là khu vực Bắc Mỹ để mở rộng đầu ra.
Tuy nhiên, năm 2025 dự báo thị trường tiếp tục biến động, khó đoán, nhiều khách hàng lớn của công ty ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ phản hồi vẫn gặp khó khăn trong kinh doanh do sức mua giảm, lạm phát cao… Công ty cũng nhận thấy sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đối với các sản phẩm nội, ngoại thất như ưa chuộng sự kết hợp giữa gỗ, kim loại và vải bọc chống tia UV, đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền cao.
Trong bối cảnh đó, công ty xác định chủ động tìm hiểu phong cách, lối sống, kiến trúc nhà ở của từng thị trường mục tiêu. Không chỉ đổi mới các thiết kế, công ty còn đầu tư thêm nhà máy sản xuất chuyên biệt để phát triển sản phẩm phù hợp với xu hướng quốc tế. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh ngày càng cao cũng là một thách thức đòi hỏi ngành gỗ phải đầu tư vào chuỗi cung ứng bền vững và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Văn Thu, doanh nghiệp cần bán những gì khách hàng cần, chứ không phải bán những gì mình có. Việc xây dựng thương hiệu đồ gỗ nội thất Việt Nam phải gắn liền với chất lượng và tính độc đáo; sản phẩm vừa phải đáp ứng được công năng mà khách hàng cần vừa có dấu ấn tinh hoa truyền thống dân tộc. Về thương mại, doanh nghiệp chủ động giữ kết nối với khách hàng cũ, đồng thời tích cực quảng bá để tiếp cận những khách hàng, thị trường tiềm năng mới.
“Nếu bỏ bê việc tương tác thì doanh nghiệp không chỉ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thị trường mới, mà có khả năng đánh mất luôn khách hàng cũ vì họ không rõ chúng ta còn tồn tại không. Do đó, doanh nghiệp phải thường xuyên quảng bá sản phẩm tại các sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại uy tín. Trong tháng 3 này, Thành Tâm sẽ giới thiệu bộ sưu tập mới tại Hội chợ HawaExpo 2025, sau đó đưa sản phẩm tiếp tục trưng bày ở các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài. Doanh nghiệp không kỳ vọng vào sự tăng trưởng đơn hàng ngay lập tức, nhưng sẽ tập trung vào việc thiết lập quan hệ với các khách hàng tiềm năng, nhằm tạo ra những cơ hội bứt phá trong tương lai.”, ông Nguyễn Văn Thu chia sẻ.

Hoàn thiện sản phẩm gỗ ván ép cong xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Gỗ ván ép Nhật Nam, xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Năm 2024, ngành gỗ và nội thất thắng lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thuận lợi, doanh thu xuất khẩu của Công ty Forexco (Quảng Nam) giảm gần 1/3 so với trước năm đó. Ông Đặng Công Quang, Phó Tổng Giám đốc Forexco cho biết, khách hàng chủ lực của công ty tập trung tại EU và Mỹ, năm vừa qua tăng trưởng kinh tế của các khu vực này chậm lại, lạm phát cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua kém. Thêm vào đó, các nhà bán hàng chịu lãi suất vay quá cao, không đủ nguồn vốn để mua hàng tích trữ dài hạn. Hiện nay, họ mua bán thận trọng hơn, để quan sát dấu hiệu thị trường. Hệ thống phân phối chỉ lên kế hoạch bán hàng theo mùa, dẫn tới các đơn hàng nhỏ và ngắn hạn từ 3 - 4 tháng.
Khi doanh nghiệp mở rộng ra thị trường Nhật thì hàng ngoại thất (outdoor) không có nhiều lợi thế. Vì phần lớn khách hàng Nhật sống trong căn hộ nhỏ, khác với kiểu nhà vườn rộng hay thấy ở phương Tây. Ở các thành phố lớn của Nhật, người ta vẫn mua đồ ngoại thất nhưng cỡ nhỏ để ban công là chủ yếu. Vì vậy, doanh số ở thị trường này không cao.
Để thích ứng với xu hướng mua hàng mới, Forexco vẫn giữ vững chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhưng tìm cách cắt giảm chi phí khác để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận thấp để chốt được đơn hàng, vận hành ổn định nhà máy cũng như giữ chân người lao động.
“Điểm mấu chốt mà doanh nghiệp rút ra là phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng và đa dạng kênh phân phối. Trước đây doanh nghiệp từng tham gia các Hội chợ Quốc tế Spoga - Đức, Singapore Expo… nhưng 15 năm trở lại đây chúng tôi chủ yếu làm việc với các đối tác khách hàng quen - truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh và nhiều biến động như hiện nay, nếu doanh nghiệp cứ bị động sẽ rất khó tồn tại. Do đó, năm nay doanh nghiệp xác định sẽ siêng "đi chợ" hơn, đầu tiên Forexco sẽ góp mặt tại HawaExpo ngay tại Việt Nam để cập nhật nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng; sau đó tiếp tục đăng ký tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành tại Mỹ, Đức kết nối, mở rộng tệp khách hàng tiềm năng. Song song đó, công ty cũng đang hướng tới các kênh thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhiều đối tượng hơn nhằm tăng doanh thu hiệu quả”, ông Đặng Công Quang thông tin kế hoạch.
Để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện xuất khẩu ngay tại sân nhà, 5 hiệp hội ngành gỗ lớn nhất cả nước gồm Viforest, HAWA, BIFA, DOWA, FPA Bình Định sẽ phối hợp tổ chức Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất (HawaExpo 2025) tại Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 5 - 7/3. Đại diện Ban tổ chức thông tin, HawaExpo là nền tảng triển lãm được thiết kế để khẳng định năng lực cạnh tranh của ngành gỗ và nội thất Việt Nam với khách mua hàng quốc tế.
Do đó, hơn 80% đơn vị tham gia triển lãm là doanh nghiệp được chọn lọc, đáp ứng các tiêu chí có nhà máy tại Việt Nam, có năng lực sản xuất xuất khẩu, đáp ứng tốt đa dạng nhu cầu và quy mô; có chiến lược bền vững, xanh hóa dài hạn. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp sở hữu khả năng thiết kế - sáng tạo ấn tượng, có dấu ấn cụ thể trong quá trình phát triển và tiếp cận thị trường.
HawaExpo 2025 không chỉ cập nhật toàn cảnh về năng lực sản xuất xuất khẩu ngành gỗ và nội thất Việt Nam mà còn hứa hẹn kết nối cung - cầu hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD.
Link gốc