Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tăng nhẹ trong phiên giao dịch chiều ngày 17/2, trong đó dẫn đầu là chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản.
Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: AFP/TTXVN
Thị trường chứng khoán châu Á tăng nhẹ trong phiên chiều 17/2, khi tâm điểm chú ý tiếp tục đổ dồn vào nhóm cổ phiếu công nghệ trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế khả quan của Nhật Bản trái ngược với báo cáo doanh số bán lẻ yếu của Mỹ đã giúp đồng yen tăng giá so với đồng USD, hỗ trợ đà tăng cho thị trường chứng khoán trong nước.
Chốt phiên giao dịch chiều nay, chỉ số MSCI của các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã tăng 0,34%. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng nhẹ 24,82 điểm, tương đương 0,06%, đạt 39.174,25 điểm. Chỉ số này phục hổi sau khi Nhật Bản công bố tăng trưởng kinh tế hàng năm của quý IV/2024 đạt 2,8%, cao hơn kỳ vọng. Đáng chú ý, đà tăng này đã bị hạn chế bởi sự phục hồi của đồng yen, lên mức tỷ giá 151,65 yen đổi 1 USD.
Còn tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 9,11 điểm, tương đương 0,27%, đạt 3.355,83 điểm. Trong khi, chỉ số chứng khoán Hang Seng trên sàn giao dịch Hong Kong giảm 4,1 điểm, tương đương 0,02%, đạt 22.616,23 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương khác tăng, giảm không đồng đều, với phần lớn là tăng nhẹ. Trong phiên giao dịch chiều nay, vấn đề địa chính trị vẫn là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư. Các báo cáo cho biết một cuộc đàm phán về xung đột Nga-Ukraine sẽ bắt đầu tại Saudi Arabia trong tuần này, mặc dù danh sách các bên tham gia vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.
Mặc dù mối đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế quan “có đi, có lại”, nhằm vào các đối tác lớn của Mỹ đã giảm bớt cho đến tháng 4/2025, nhưng nguy cơ rằng chúng có thể bao gồm các khoản thuế dựa trên thuế giá trị gia tăng (VAT) ở các quốc gia khác vẫn là một mối lo ngại lớn.
Chuyên gia Ray Attrill, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB), phân tích, viễn cảnh Mỹ áp thuế bổ sung 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và áp dụng các mức thuế khác nhau đối với các quốc gia có hệ thống thuế giá trị gia tăng (VAT) là một điều thực sự đáng lo ngại. Điều này sẽ gây ra những hậu quả rất lớn và tiêu cực đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Đáng chú ý, chỉ số blue-chip của Trung Quốc (CSI300), trong phiên giao dịch chiều nay, đã giảm 0,06%, với những biến động được dẫn dắt chính bởi các giao dịch trên thị trường Hong Kong, nơi đã chứng kiến đà tăng cổ phiếu 7% vào tuần trước, nhờ tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư về việc các công ty Trung Quốc có thể cung cấp các phiên bản ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giá rẻ để cạnh tranh với phương Tây.
Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế và giá trị cổ phiếu của Trung Quốc, cho rằng việc áp dụng AI rộng rãi có thể tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu thêm 2,5% mỗi năm trong thập kỷ tới. Sự gia tăng hứa hẹn của cổ phiếu cũng sẽ nâng giá trị hợp lý của vốn chủ sở hữu Trung Quốc thêm 15% đến 20% và thu hút 200 tỷ USD dòng vốn đầu tư.
Hiện thị trường đang dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay thay vì chỉ một đợt. Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed sẽ được công bố vào ngày 19/2 và có thể cung cấp một số chi tiết về triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức 4,478%, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 4,660% đạt được vào giữa tuần trước.
Sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu đã làm suy yếu đồng USD và khiến chỉ số đồng USD dừng ở mức 106,73 điểm, sau khi mất 1,2% vào tuần trước.
Tại Việt Nam, chốt phiên 17/2, VN-Index giảm 3,36 điểm (tương đương 0,26%), còn 1.272,72 điểm, HNX-Index tăng 1,97 điểm (0,85%) lên 233,19 điểm.
Diệu Linh-Link gốc