Cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga với Ukraine đã khiến các đồng minh châu Âu và các quan chức Ukraine lo ngại rằng họ sẽ bị chính quyền mới của Mỹ gạt ra ngoài lề khi Washington và Moscow lên kế hoạch đàm phán trực tiếp.
Châu Âu lo ngại bị ông Trumo “gạt ra ngoài lề”
Theo một quan chức Mỹ, khi cuộc chiến kéo dài 3 năm vẫn chưa có hồi kết, ông Trump sẽ cử Ngoại trưởng Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên Steve Witkoff tới Saudi Arabia để hội đàm với các đối tác Nga.
Không rõ các quan chức Ukraine hoặc châu Âu sẽ được đại diện ở mức độ nào trong các cuộc thảo luận dự kiến diễn ra tại Saudi Arabia trong những ngày tới. Quan chức này cho biết Mỹ coi các cuộc đàm phán là giai đoạn đầu và linh hoạt, và những người cuối cùng ngồi vào bàn đàm phán có thể thay đổi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên có các cuộc điện đàm sau khi ông Trump chính thức nhậm chức nhiệm kỳ 2.
Trong cuộc trao đổi với các phóng viên ngày 16/2, Tổng thống Trump cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "sẽ tham gia" vào các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra thông tin cụ thể nào thêm.
Hoạt động này diễn ra sau khi các cố vấn cấp cao của ông Trump, bao gồm Phó Tổng thống JD Vance, đưa ra bình luận vào tuần trước, nêu lên mối lo ngại mới ở Kyiv và các thủ đô châu Âu khác rằng chính quyền Cộng hòa có ý định giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột với sự tham gia tối thiểu từ châu Âu.
"Nhiều thập kỷ quan hệ cũ giữa châu Âu và Mỹ đang kết thúc. Từ giờ trở đi, mọi thứ sẽ khác, và châu Âu cần phải điều chỉnh theo điều đó", ông Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15/2.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng ngày 16/2 đã phản bác lại quan điểm cho rằng châu Âu đã bị loại khỏi cuộc thảo luận. Ông Trump đã nói chuyện qua điện thoại trong những ngày gần đây với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và dự kiến sẽ tham vấn với Thủ tướng Anh Keir Starmer trong tuần này.
Trước đó, trong chuyến thăm Munich và Paris, Phó Tổng thống JD Vance đã hội đàm với Tổng thống Pháp Macron, Ngoại trưởng Anh David Lammy, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng như Tổng thống Ukraine Zelensky.
Ngoại trưởng Marco Rubio, cho biết Mỹ đang thực hiện cách tiếp cận thận trọng khi tái hợp với Moscow sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden siết chặt các mối liên hệ với Điện Kremlin sau khi Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022.
Ông Trump đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước và hai nhà lãnh đạo đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán cấp cao về việc chấm dứt chiến sự.
Hiện vẫn chưa rõ liệu có người Ukraine nào tham gia các cuộc đàm phán sắp tới ở Riyadh hay không. Một phái đoàn Ukraine đã có mặt tại Saudi Arabia vào ngày 16/2 để mở đường cho chuyến thăm có thể có của Tổng thống Zelensky, theo Bộ trưởng Kinh tế Ukraine.
Thủ tướng Anh Starmer đã viết trong một bài xã luận đăng trên tờ Daily Telegraph rằng Ukraine phải tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào về tương lai của nước này “bởi vì nếu không như vậy đồng nghĩa với việc chấp nhận quan điểm của ông Putin rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự”.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, có một số cuộc tranh luận trong nội bộ chính quyền về cách tiếp cận của họ đối với Moscow, một số người ủng hộ việc nhanh chóng xích lại gần nhau trong khi những người khác lại lo ngại rằng ông Putin đang tìm cách làm rạn nứt liên minh châu Âu - Đại Tây Dương khi ông muốn giành lại vị thế của Nga và gia tăng ảnh hưởng trên lục địa này.
“Một làn gió đoàn kết đang thổi khắp châu Âu”
Các cuộc đàm phán được mong đợi với Saudi Arabia cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm buộc Ukraine đồng ý cho Mỹ tiếp cận các mỏ khoáng sản đất hiếm của Ukraine để đổi lấy khoản viện trợ quân sự trị giá 66 tỷ USD mà Washington đã cung cấp cho Kyiv kể từ khi chiến sự bắt đầu, cũng như viện trợ quốc phòng trong tương lai.
Tổng thống Ukraine Zelensky, người đã gặp Phó Tổng thống Vance và các quan chức cấp cao khác của Mỹ tại Munich vào ngày 14/2, cho biết ông đã chỉ đạo bộ trưởng Ukraine không ký, ít nhất là vào lúc này. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn rằng thỏa thuận do Mỹ trình bày quá tập trung vào lợi ích của Mỹ và không bao gồm các đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Nhà Trắng gọi quyết định của ông Zelensky là "thiển cận" và cho rằng thỏa thuận về đất hiếm sẽ khiến Ukraine xích lại gần Mỹ hơn, điều mà Nga không muốn thấy.
Các quan chức châu Âu cũng cảm thấy bất an trước một số phát biểu của ông Vance trong chuyến thăm 5 ngày tới Paris và Munich tuần trước, trong đó ông đã thuyết giảng cho họ về quyền tự do ngôn luận và vấn đề di cư bất hợp pháp trên lục địa này. Ông cảnh báo rằng họ có nguy cơ mất đi sự ủng hộ của công chúng nếu không nhanh chóng thay đổi hướng đi.
Trong chuyến thăm Munich (Đức), ông Vance cũng đã gặp Alice Weidel, đồng lãnh đạo và ứng cử viên cho chức thủ tướng của đảng cực hữu và chống nhập cư Alternative for Germany trong cuộc bầu cử tháng này.
Trên khắp châu Âu, các quan chức hiện đang tìm cách điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình trước chiến lược đang được triển khai của chính quyền ông Trump đối với Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot cho biết Tổng thống Macron sẽ triệu tập các nước hàng đầu châu Âu tại Paris vào ngày 17/2 để tiến hành một "cuộc làm việc" khẩn cấp nhằm thảo luận về các bước tiếp theo cho Ukraine.
Ông Barrot chia sẻ với đài truyền hình France-Info rằng: "Một làn gió đoàn kết đang thổi khắp châu Âu, điều mà có lẽ chúng ta chưa từng cảm nhận được kể từ thời kỳ Covid-19".
Theo AP
Hải Đăng-Link gốc