Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), để thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế được đánh giá là tham vọng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là từ yếu tố bên ngoài.
Chính phủ đang trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Theo kịch bản tăng trưởng này, các khu vực kinh tế cần đạt mức tăng trưởng cao: Công nghiệp - Xây dựng tăng 9,5% trở lên, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên; Dịch vụ tăng 8,1% trở lên; Nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên.

Các kịch bản mục tiêu để đạt được tăng trưởng kinh tế 8%.
Tại talkshow tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) đã đưa ra đánh giá, trọng tâm trong tăng trưởng năm nay sẽ là ở 2 khu vực: Dịch vụ và Công nghiệp và xây dựng.
Đối với Dịch vụ, ông Linh cho biết mục tiêu tăng trưởng 8,5% tương đồng với mức tăng trưởng của ngành này vào năm 2019 - thời điểm trước COVID-19. “Ngành Dịch vụ phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước và khác du lịch quốc tế. Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được với những tín hiệu rất tích cực trong những tháng gần đây”, ông Linh nói.
Đối với khu vực Công nghiệp và xây dựng, mức tăng trưởng 9,5%/năm là mức tăng cao nhất từ năm 2011 cho đến nay. Trước đó, năm 2022, khu vực này tăng trưởng cao do so với mức thấp của 2021 - năm thực hiện giãn cách xã hội. Ông Linh đánh giá, ở điều kiện bình thường thì mức tăng trưởng 9,5% là rất lớn.
Chuyên gia phân tích, khu vực Công nghiệp và xây dựng đóng góp tỷ trọng 36% trong GDP, đặc biệt, công nghiệp chế biến chế tạo, tức ngành sản xuất, chiếm tỷ trọng 25%. Do đó, để đạt được tốc độ tăng trưởng như kế hoạch thì sản xuất phải tiếp tục tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, ngành xây dựng thời gian gần đây tăng trưởng dưới kỳ vọng. Sự phục hồi của ngành này sẽ góp phần rất quan trọng để cho khu vực Công nghiệp và xây dựng đạt mục tiêu tăng trưởng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF).
Tuy nhiên, với độ mở lớn của nền kinh tế, bất kỳ kế hoạch tăng trưởng nào cũng phải tính đến các yếu tố bên ngoài. Theo ông Linh, có 3 thách thức lớn mà chúng ta cần phải đối mặt trong năm nay để đạt mục tiêu tăng trưởng:
Thứ nhất, sản xuất chủ yếu cho xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng nhưng hiện nay, hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc được dự báo tốc độ tăng trưởng suy giảm. Nguyên nhân là do căng thẳng địa chính trị, rủi ro thuế quan… Điều này dẫn đến việc xuất khẩu nhiều khả năng sẽ có sự biến động và tốc độ tăng trưởng chậm lại, từ đó ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thứ hai là rủi ro thuế quan. Khi Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế quan đối ứng lên hàng hoá sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn và có thể làm thu hẹp thặng dư thương mại của Việt Nam.
“Chúng ta và Mỹ có thặng dư hơn 100 tỷ USD vào năm 2024, Mỹ cũng là nước có đóng góp nhiều nhất cho tổng thặng dư gần 25 tỷ USD của Việt Nam. Nếu như mà chúng ta bị tác động thì rõ ràng thặng dư thương mại sẽ giảm, không bằng mức 2024 chứ chưa nói đến câu chuyện là sẽ tăng lên mức trên 30 tỷ USD như là kỳ vọng”, ông Linh nói.
Thách thức cuối cùng là rủi ro về mặt chính sách. Chuyên gia VCBF nhận định ông Trump là một tổng thống rất khó đoán, tạo ra một môi trường rất bất định về mặt chính sách. Tất cả những thay đổi về mặt chính sách thông thường sẽ có những thay đổi, ảnh hưởng về trung và dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Các nhà đầu tư FDI cũng thường có tầm nhìn trung và dài hạn, dó đó rủi ro chính sách cao trong những tháng đầu ông Trump nhậm chức có thể trì hoãn dòng vốn đầu tư toàn cầu, từ đó tác động tiêu cực ngắn hạn lên dòng vốn FDI vào Việt Nam.
“Khi mọi người chưa biết thực sự là Trump sẽ làm gì thì thường là họ sẽ trì hoãn việc giải ngân đầu tư, việc này sẽ tác động phần nào ngắn hạn trong tăng trưởng FDI của Việt Nam”, ông Linh phân tích.
Trước những rủi ro bất định từ bên ngoài như vậy, ông Linh đồng tình với việc Chính phủ xác định tập trung thúc đẩy nguồn lực trong nước, đẩy mạnh đầu tư công trong năm nay: "Nếu đầu tư công được thực hiện tốt, tạo hiệu ứng lan tỏa có thể thì hoàn toàn có thể bù đắp được những sụt giảm do yếu tố bên ngoài tác động”.
Đỗ Kiều-Link gốc