• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.292,98 +4,42/+0,34%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:03 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.292,98   +4,42/+0,34%  |   HNX-INDEX   238,02   +0,23/+0,10%  |   UPCOM-INDEX   100,08   +0,74/+0,75%  |   VN30   1.349,45   +4,81/+0,36%  |   HNX30   499,31   +0,46/+0,09%
20 Tháng Hai 2025 9:08:27 CH - Mở cửa
Việt Nam trước 'sóng gió' thương mại Mỹ - Trung: 2018 và 2025 có gì khác?
Nguồn tin: Tạp chí Nhà quản trị | 18/02/2025 11:00:00 SA
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tái diễn năm 2025 với quy mô lớn hơn. Việt Nam đứng trước cả cơ hội và thách thức khi chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi, tác động mạnh đến xuất khẩu và đầu tư.
 
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0
 
Ngày 1/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế thêm 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khơi mào cho một cuộc đối đầu thương mại mới.
 
Trung Quốc ngay lập tức phản ứng, đệ đơn khiếu nại lên WTO và áp thuế trả đũa 15% lên than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và 10% lên dầu thô, thiết bị nông nghiệp, ô tô.
 
Ngoài ra, Trung Quốc mở điều tra chống độc quyền với Google, cũng siết chặt kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng như vonfram, tellurium, ruthenium và molypden – những nguyên liệu cần thiết cho ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ.
 
Các biện pháp gay gắt này làm gia tăng lo ngại về cuộc chiến thương mại 2.0 của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.
 
Chưa dừng ở đó, vào đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế 25% lên toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 4/3 và không áp dụng ngoại lệ với bất kỳ nước nào.
 
Tình hình hiện tại khiến thế giới gợi nhớ đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018, nhưng trầm trọng hơn khi có nguy cơ mở rộng ra toàn cầu.
 
Mối quan hệ chặt chẽ trong thương mại Mỹ - Trung
Mỹ và Trung Quốc duy trì tổng kim ngạch thương mại song phương từ 500 - 700 tỷ USD mỗi năm, phản ánh mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa hai nước.
 
Tuy nhiên, Mỹ luôn trong tình trạng thâm hụt thương mại đáng kể với Trung Quốc, với mức dao động từ 270 - 420 tỷ USD mỗi năm. Sự mất cân bằng này tiếp tục là điểm nóng trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước.
 
 
 
Mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia không chỉ kéo dài nhiều năm mà còn ngày càng phức tạp. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ, sau Mexico và Canada.
 
Trong khi Trung Quốc coi Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hàng hoá Trung Quốc cũng nhiều thứ hai tại thị trường Mỹ, chỉ sau Mexico.
 
 
 
Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hoá chất, công nghệ cao (thiết bị điện tử, máy bay Boeing, chip bán dẫn), nông sản (đậu nành, thịt lợn, ngô) và năng lượng (dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng - LNG).
 
Ngược lại, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng điện tử (điện thoại iPhone, laptop được lắp ráp tại Trung Quốc), dệt may, máy móc, xe điện và đồ nội thất.
 
 
 
Bài học từ cuộc chiến thương mại 1.0
 
Nhìn lại năm 2018, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng phát khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế 250 tỷ USD lên hàng nhập khẩu Trung Quốc với danh mục hàng hoá cụ thể với mức thuế áp từ 10% đến 25% nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa.
 
Ông Trump lúc đó đã cáo buộc Trung Quốc trợ cấp xuất khẩu, đánh cắp công nghệ, thao túng tiền tệ.
 
Đáp trả, Trung Quốc đánh thuế lên nông sản và công nghệ Mỹ, khiến tăng trưởng của cả hai nước chậm lại.
 
Cuộc chiến thương mại tạm lắng vào cuối năm 2019 khi Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong hai năm, so với mức năm 2017. Tuy nhiên, đến năm 2020, do tác động của Covid-19, Trung Quốc đã không thực hiện đúng cam kết, khiến thỏa thuận dần rơi vào quên lãng.
 
Trong suốt thời gian đối đầu đó, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 550 tỷ USD hàng Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng không ngồi yên, áp thuế trả đũa lên hơn 185 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ.
 
Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế lớn như Moody's và Bloomberg Economics, hậu quả của cuộc chiến 1.0 đã gây thiệt hại kinh tế cho Mỹ khoảng 316 tỷ USD GDP và mất 300.000 việc làm và tương đương khoảng 0,7% GDP Mỹ, trong khi Trung Quốc đối mặt với sự sụt giảm xuất khẩu và buộc phải tăng cường nội địa hóa sản xuất.
 
Cuộc chiến này cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia buộc phải tìm kiếm các điểm sản xuất thay thế ngoài Trung Quốc.
 
Việt Nam, Ấn Độ, Mexico nổi lên như những lựa chọn hàng đầu trong chiến lược "Trung Quốc +1". Dòng vốn FDI đổ vào các nền kinh tế này tăng mạnh, tạo động lực phát triển nhưng cũng đặt ra thách thức về hạ tầng và lao động.
 
Có thể thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018 và năm 2025 có sự khác biệt từ nguyên nhân, hình thức và quy mô đánh thuế của Mỹ, phản ứng của Trung Quốc.
 
 
Cơ hội và thách thức của Việt Nam
 
Việt Nam đã hưởng lợi đáng kể từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sau năm 2018. Xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh, đặc biệt trong các ngành dệt may, điện tử và nội thất.
 
Các công ty lớn như Apple, Samsung, Nike đã đầu tư mạnh vào Việt Nam để giảm rủi ro thuế quan khi xuất khẩu sang Mỹ. Ngành logistics và công nghiệp phụ trợ cũng phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Cạnh tranh trong khu vực ngày càng khốc liệt khi Indonesia, Malaysia và Ấn Độ thu hút FDI mạnh mẽ.
 
Mỹ cũng tăng cường kiểm soát nguồn gốc hàng hóa để tránh tình trạng hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam. Ngoài ra, áp lực lên hạ tầng và nguồn lao động có tay nghề cao đang trở thành rào cản cho sự phát triển bền vững.
 
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung năm 2025 có thể thúc đẩy xu hướng dịch chuyển đầu tư tiếp tục diễn ra, nhưng Việt Nam cần có chiến lược dài hạn để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro.
 
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng nội địa sẽ là những yếu tố quyết định khả năng thích ứng của Việt Nam trước những biến động thương mại toàn cầu.
 
Ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư VinaCapital, cho rằng, những ảnh hưởng từ chính sách thương mại mới của Mỹ là rõ ràng, nhưng không đáng lo ngại.
 
“Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong chiến lược kinh tế và chính trị của Mỹ. Hơn nữa, từ tháng 9/2023, hai nước đã nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, cấp độ cao nhất trong ngoại giao,” ông Minh cho biết tại "Data Talk: Bản đồ tài sản 2025".
 
Mục tiêu của chính quyền Trump là đưa sản xuất về Mỹ và tạo việc làm trong nước. Tuy nhiên, với cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, việc chuyển sản xuất về Mỹ là khó khả thi do chi phí đầu tư và nhân công cao.
 
Do đó, áp thuế lên hàng Việt Nam không phải ưu tiên chính trị của Mỹ và cũng không giúp giải quyết bài toán kinh tế mà ông Trump đặt ra.