Dư địa tăng trưởng lớn của thị trường bán lẻ dược phẩm đang tạo động lực cho các chuỗi nhà thuốc hiện đại đẩy mạnh mở rộng và phát triển kênh bán thuốc trực tuyến (online) khi hành lang pháp lý được mở ra. Tuy nhiên, để thị trường này tiếp tục “bùng nổ” mạnh mẽ, đi đúng định hướng trong thời gian tới thì việc nới lỏng chính sách sao cho phù hợp, tránh phát sinh vướng mắc là rất quan trọng.
Trong ngày 20/2 ở Tp.HCM đã có một hội thảo quy tụ các doanh nghiệp (DN), hiệp hội để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Trước đó, vào ngày 18/2 cũng diễn ra hội thảo tương tự như vậy ở Hà Nội. Tất cả đều nhằm khẩn trương đưa các quy định mới của luật này vào thực tiễn.
Tránh phát sinh vướng mắc kinh doanh thuốc online
Và liệu những quy định mới trong Dự thảo nghị định nêu trên có khắc phục các bất cập trong một số quy định cũ gây cản trở, khó khăn cho hoạt động kinh doanh dược hay không? Hay như hành lang pháp lý được mở ra cho kinh doanh thuốc online trong thời gian tới sẽ như thế nào, có thuận lợi hay rào cản gì? Đây là điều mà các DN bán lẻ dược phẩm đang quan tâm.

Việc kinh doanh thuốc online ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới khi hành lang pháp lý được mở ra.
Như góp ý của Hiệp hội DN Dược Việt Nam đối với quy định trong Dự thảo này về giao, nhận, vận chuyển của cơ sở kinh doanh thuốc, đó là cần bỏ quy định bổ sung camera theo dõi hành trình của xe vận chuyển do làm tăng chi phí cho DN và không mang ý nghĩa quản lý nhiều. Thay vào đó nên giữ nguyên như quy định hiện tại.
Hoặc như với quản lý thuốc, dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực, phía hiệp hội này cho rằng Bộ Y tế cần đưa ra các biện pháp phù hợp dựa trên đánh giá nguy cơ để quản lý phù hợp với thực tế. Nhất là cần phân loại mức độ quản lý thuốc cấm sử dụng trong các bộ ngành khác nhưng vẫn là các loại thuốc thông thường được sử dụng làm thuốc dựa trên các tiêu chí về dạng bào chế, nồng độ/hàm lượng trong các thuốc phối hợp nhiều thành phần…
Còn đứng ở góc độ của một DN bán lẻ dược phẩm, bà Trần Thị Huyền, Trưởng Phòng pháp chế của CTCP Dược phẩm FPT Long Châu, đã dành sự lưu tâm đến vấn đề pháp lý trong thời gian tới đối với kinh doanh thuốc online.
Như góp ý của bà Huyền liên quan đến Điều 45 của Dự thảo (quy định về việc đăng tải thông tin khi thực hiện kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử), nội dung này hướng dẫn thông tin, tài liệu phải hiển thị trên sàn giao dịch, ứng dụng và website thương mại điện tử (TMĐT) nhưng 3 phương thức TMĐT này có cơ chế hoạt động không giống nhau. Trong khi đó, đơn vị sở hữu ứng dụng, website là đơn vị kinh doanh.
Do đó, bà Huyền đề xuất cần làm rõ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Chứng chỉ hành nghề của người phụ trách chuyên môn là của đơn vị kinh doanh dược. Trường hợp, đơn vị kinh doanh trên sàn TMĐT/website dịch vụ TMĐT, ứng dụng dịch vụ TMĐT không phải là chủ sở hữu các sàn, website, ứng dụng này thì không thể hiển thị được trên màn hình chính của trang chủ như quy định tại khoản 1 Điều 45 Dự thảo, vì thế “cần xem xét quy định chi tiết để tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện”.
Mặt khác, theo vị trưởng phòng pháp chế của chuỗi nhà thuốc Long Châu, đối với hoạt động kinh doanh của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc khi kinh doanh TMĐT thì “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Chứng chỉ hành nghề của người phụ trách chuyên môn cần thể hiện là Giấy chứng nhận của cơ sở tổ chức chuỗi hay Giấy chứng nhận của các nhà thuốc trong chuỗi”.
Có thể thấy những góp ý như vậy là rất thiết thực để khơi thông thị trường kinh doanh thuốc online. Nhất là khi hành lang pháp lý về TMĐT trong kinh doanh dược đã được mở ra từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức TMĐT với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc kinh doanh thuốc online dù được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và cạnh tranh khốc liệt, nhưng vẫn còn những vấn đề thận trọng được đặt ra. Hơn nữa, đối với một cơ sở kinh doanh thuốc muốn thực hiện TMĐT phải được đánh giá cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, hồ sơ tài liệu và phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Các công cụ quản lý gồm tiền kiểm lẫn hậu kiểm cũng có thể sẽ được để tâm nhiều hơn cho phương thức kinh doanh mới này.
Giúp các chuỗi nhà thuốc đi đúng định hướng
Không chỉ với kinh doanh thuốc online, theo giới phân tích, với luật dược sửa đổi được Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2024 và nghị định hướng dẫn luật này được ban hành trong thời gian tới, điều mong đợi của các nhà bán lẻ dược phẩm là những quy định mới sẽ giúp tinh gọn thủ tục, giúp “cởi trói” cho DN dược, tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp người dân tiếp cận thuốc dễ dàng hơn…
Đặc biệt là tạo hành lang pháp lý có tính chất nới lỏng cho các hình thức, phương thức kinh doanh mới (chuỗi nhà thuốc, thuốc TMĐT). Các chuỗi nhà thuốc phát triển cả online và ngoại tuyến (offline) sẽ góp phần rất lớn trong việc phân phối thuốc đến tay nhiều người tiêu dùng và đưa thị trường bán lẻ dược phẩm tăng trưởng mạnh hơn.
Theo đánh giá từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ABS, một trong những yếu tố thuận lợi cho bán lẻ dược phẩm là luật dược sửa đổi đã có các quy định về quyền và trách nhiệm của các DN thực hiện kinh doanh chuỗi nhà thuốc, được phép luân chuyển thuốc và người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược giữa các nhà thuốc thuộc chuỗi.
Phía ABS cho rằng các chuỗi nhà thuốc sẽ ngày càng lớn mạnh nhờ lợi thế lớn so với các nhà thuốc nhỏ lẻ. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là việc tận dụng TMĐT, bán hàng online và giao hàng tận nơi sẽ gia tăng sự tiện ích, khách hàng không cần đến tận hiệu thuốc để mua thuốc mà có thể đặt hàng ngay tại nhà.
Nên biết thêm, trong 4 năm tới, thị trường bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép vào khoảng 15,8%/năm. Đó là lý do mà các chuỗi nhà thuốc hiện đại đều đang đẩy mạnh việc mở rộng các cửa hàng và hướng tới phát triển kênh bán thuốc trực tuyến. Đơn cử như Long Châu được kỳ vọng có thể sẽ tiếp tục mở mới 350 nhà thuốc trong năm 2025, hay như Trung Sơn Pharma đặt mục tiêu tăng hệ thống lên 460 nhà thuốc vào năm 2026.
Theo giới phân tích, hiện nay phương thức kinh doanh mới của các chuỗi nhà thuốc hiện đại đã trở thành xu thế phát triển, đã chiếm hơn 43% thị phần, có khả năng thay thế dần các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ. Việc có được hành lang pháp lý sẽ giúp chuỗi nhà thuốc phát triển đúng định hướng, quản lý được chất lượng thuốc và bảo vệ người tiêu dùng.
Và như dự báo từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán MBS, năm 2025 sẽ tiếp tục là năm bùng nổ mở rộng mạnh mẽ của các chuỗi nhà thuốc hiện đại.
Tuy vậy, để thị trường bán lẻ dược phẩm tiếp tục bùng nổ hay không vẫn đang chờ những quy định hợp lý hơn từ khâu chính sách. Và các DN trong lĩnh vực này cũng cần đi đúng hướng, linh hoạt chiến lược với những điều chỉnh từ chính sách mới.
Thế Vinh-Link gốc