• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.296,75 +3,77/+0,29%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.296,75   +3,77/+0,29%  |   HNX-INDEX   237,57   -0,45/-0,19%  |   UPCOM-INDEX   100,61   +0,53/+0,53%  |   VN30   1.353,73   +4,28/+0,32%  |   HNX30   498,11   -1,20/-0,24%
21 Tháng Hai 2025 7:30:10 CH - Mở cửa
Tạo lợi thế độc đáo để ‘hút’ dòng vốn quốc tế chuyển dịch vào Việt Nam
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 20/02/2025 9:26:34 SA

Để thu hút dòng vốn quốc tế chuyển dịch vào Việt Nam trong thời gian tới thì việc tạo ra những lợi thế độc đáo là cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn như xúc tiến hình thành các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, xây dựng hạ tầng đồng bộ, tạo bước tiến mới trong chính sách thu hút làn sóng FDI công nghệ cao.

Đơn cử như đề án khu thương mại tự do (FTZ) gắn với cảng biển Cái Mép - Thị Vải (có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới và kết nối trực tiếp với châu Âu, châu Mỹ) tại khu vực Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang được kỳ vọng sớm hình thành nhằm làm “đòn bẩy” thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Chờ hình thành các FTZ và trung tâm tài chính quốc tế

Chính vì vậy, hôm 18/2, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký kết với Tập đoàn DP World của UAE (đã và đang đầu tư, quản lý, vận hành khoảng 20 khu kinh tế/khu thương mại tự do gắn với cảng biển) để tiến tới hợp tác nhằm xây dựng đề án nêu trên với khả năng cạnh tranh cao nhất, hiện đại nhất.

Việc xây dựng và hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển sẽ tạo lợi thế lớn cho một số địa phương trong thu hút dòng vốn FDI.

Hoặc như mới đây, khu thương mại tự do tại Cần Giờ thuộc Quy hoạch TpHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy mô dự kiến của FTZ Cần Giờ đạt 1.000-2.000ha, gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái. Đây cũng được xem là một cú hích để thu hút dòng vốn quốc tế.

Ngoài ra, ở một số địa phương có lợi thế cảng biển như Hải Phòng, Đà Nẵng đang xúc tiến hình thành các FTZ. Kể cả như tại tỉnh Sóc Trăng, hồi tháng 12/2024 có một đơn vị tư vấn đã đề xuất thành lập FTZ (rộng khoảng 40.000 ha) để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư vào cảng biển Trần Đề để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư FDI.

Ngoài các FTZ thì việc thúc đẩy xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Đà Nẵng, Tp.HCM (công bố hồi tháng 1/2025) cũng được kỳ vọng mang đến những cơ hội mới về thu hút đầu tư. Theo Ts. Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia tài chính, đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư mạnh mẽ hơn trong tương lai. 

Ts. Nguyễn Tuấn Anh cho rằng để thu hút nhà đầu tư quốc tế và cạnh tranh với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore và Hồng Kông, Việt Nam cần phát triển năng lực cạnh tranh cốt lõi và tạo sự khác biệt cho trung tâm của mình. Điều này bao gồm việc xây dựng các lợi thế độc đáo và các điều kiện kinh doanh hấp dẫn hơn để khuyến khích dòng vốn quốc tế chuyển dịch về Việt Nam.

Và một trong những vấn đề cần làm xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Cơ sở hạ tầng phát triển tốt về giao thông, viễn thông và các dịch vụ tiện ích khác là yếu tố thiết yếu để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của hàng nghìn tổ chức tài chính lớn nhỏ quy tụ về trong tương lai.

Hơn thế nữa, điều cần thiết là tăng cường hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và bảo vệ nhà đầu tư. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng lòng tin và thu hút các tổ chức tài chính quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam có thể tham khảo ý tưởng từ các chính sách thu hút nhà đầu tư từ các trung tâm tài chính khác như việc Thụy Sĩ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các công ty fintech (công nghệ tài chính) thông qua hỗ trợ hạ tầng và ưu đãi thuế, hay như việc Busan (Hàn Quốc) cung cấp các chính sách miễn thuế có điều kiện cho các tổ chức tài chính nước ngoài.

“Việc triển khai các chính sách, chiến lược cần được thực hiện một cách cẩn trọng và có lộ trình cụ thể, chia thành nhiều giai đoạn phát triển phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời, cần phải xem xét kỹ lưỡng tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của các thành phố được lựa chọn để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của trung tâm tài chính trong tương lai”, Ts. Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Tạo bước tiến mới trong chính sách thu hút FDI công nghệ cao

Bên cạnh việc xây dựng các FTZ hay trung tâm tài chính quốc tế, để tạo thế độc đáo nhằm kích thích dòng vốn quốc tế chuyển dịch vào Việt Nam trong thời điểm này thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, những nỗ lực của Việt Nam nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI, trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh chiến tranh thương mại, bao gồm 3 vấn đề.

Thứ nhất là tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng. Thứ hai là tập trung vào cung cấp điện. Thứ ba là thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư (182/2024/NĐ-CP) vào cuối năm 2024, bao gồm cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là chip và chất bán dẫn.

Hiện nay, với chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ dẫn đến nguy cơ chiến tranh thương mại trên toàn cầu (trong đó nổi bật là thương chiến Mỹ - Trung), điều kỳ vọng là Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong thu hút FDI từ việc các DN đa quốc gia đẩy nhanh quá trình chuyển dịch với chiến lược “Trung Quốc +1” nhằm hạn chế những rủi ro bị áp thuế. 

Tuy nhiên, để tạo lợi thế trong quá trình chuyển dịch trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn FDI giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, giới phân tích cho rằng Việt Nam cần ưu tiên đưa ra những chính sách thu hút làn sóng FDI ngành công nghệ cao. Đây sẽ là bước tiến mới giúp thúc đẩy tăng trưởng vốn FDI trong dài hạn.

Như thông tin mới đưa ra hôm 18/2 từ hãng tin Reuters về việc Việt Nam đang chuẩn bị thông qua một loạt quy định mới, mở đường cho Starlink – dịch vụ internet vệ tinh của tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk – hoạt động tại đây.

Hoặc như việc chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump nhiệm kỳ 2025-2029 được dự báo sẽ triển khai những chính sách Trí tuệ nhân tạo (AI) mới với tác động toàn cầu. Đây có thể là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục trở thành một điểm đến lý tưởng để thu hút đầu tư trong lĩnh vực AI nói riêng và ngành công nghệ nói chung. 

Để tạo lợi thế cho Việt Nam trong thu hút dòng vốn quốc tế trong lĩnh vực AI, Ts Chu Thanh Tuấn, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh Việt Nam cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý, và tăng cường hợp tác quốc tế. Với chiến lược đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những trung tâm AI hàng đầu khu vực trong tương lai.

Song song đó, vị chuyên gia này cũng cảnh báo nếu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về năng lực công nghệ và hạ tầng, nguy cơ bị loại khỏi chuỗi giá trị AI toàn cầu là rất lớn. Nhất là các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia, với nguồn lực nhân sự dồi dào hơn, có thể trở thành điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư thay vì Việt Nam.

Thế Vinh-Link gốc