Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ xích lại gần Nga làm dấy lên câu hỏi về việc nỗ lực hòa bình của Mỹ sẽ tác động như thế nào đến mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Trung Quốc và Nga.
Nỗ lực chấm dứt chiến sự ở Ukraine của Tổng thống Trump dường như sẽ mang lại những lợi thế quan trọng cho Nga, khiến Kyiv và những người ủng hộ ở châu Âu phải đứng ngoài cuộc khi họ phải đối mặt với viễn cảnh một thỏa thuận hòa bình được thực hiện mà không có lợi cho họ.
Nhưng họ không phải là những nhân tố chính duy nhất đang lo ngại trước những tác động từ việc ông Trump xoay trục sang Nga, động thái đã làm đảo lộn nhiều năm chính sách đối ngoại của Mỹ thông qua một loạt các hoạt động ngoại giao chớp nhoáng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS ở Kazan, Nga vào ngày 23/10/2024. (Ảnh: Maxim Shemetov/Pool/AFP/Getty Images)
Tại Bắc Kinh, diễn biến bất ngờ này cũng làm dấy lên câu hỏi về việc nỗ lực hòa bình của Mỹ sẽ tác động như thế nào đến mối quan hệ đối tác khăng khít giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin và mối quan hệ bấp bênh của Trung Quốc với chính quyền Tổng thống Trump.
Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng cho một vai trò quan trọng trong nỗ lực hòa bình của ông Trump tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần gợi ý rằng ông có thể hợp tác với ông Tập Cận Bình, sử dụng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Nga để giúp chấm dứt xung đột. Đây được xem là đòn bẩy quan trọng đối với Bắc Kinh khi nước này muốn ngăn chặn một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Điều đó sẽ phù hợp với những nỗ lực lâu dài của Bắc Kinh nhằm thể hiện mình là một bên trung lập và tiếng nói của Nam Bán cầu, sẵn sàng làm trung gian hòa bình trong cuộc xung đột dai dẳng, ngay cả khi NATO cáo buộc nước này cung cấp hàng hóa có mục đích sử dụng kép cho ngành công nghiệp quốc phòng của Moscow.
Hiện tại, Bắc Kinh đang bị đứng ngoài trước những diễn biến nhanh chóng mà các nhà quan sát cho rằng đã khiến các quan chức Trung Quốc ngạc nhiên - và khiến họ phải vội vã tìm kiếm lợi thế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nhiều năm qua đã cần mẫn vun đắp mối quan hệ cá nhân với "người bạn cũ" Putin và mối quan hệ của đất nước ông với Nga. Ông Tập coi người hàng xóm phía bắc là đối tác quan trọng trong cuộc đấu tranh giành quyền lực lớn hơn với phương Tây.
Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa chính thức lên án việc Nga đưa quân tới Ukraine. Mặt khác, nước này tích cực nhập khẩu dầu của Nga và vẫn cung cấp cho Nga những mặt hàng quan trọng.
Các quan chức Trung Quốc trong những ngày gần đây đã lên tiếng chấp thuận "thỏa thuận" giữa Mỹ và Nga về việc bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.
“Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 18/2, cùng ngày các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ gặp nhau tại Arab Saudi để đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Nhưng những bình luận của các quan chức Mỹ trong những ngày gần đây có thể đã thu hút sự chú ý từ Bắc Kinh đến các mục tiêu tiềm tàng của Mỹ khi hợp tác với Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nêu khả năng "hợp tác địa chính trị và kinh tế" trong tương lai giữa Washington và Moscow là một trong 4 điểm chính được thảo luận tại Riyadh.
Vài ngày trước đó, đặc phái viên của chính quyền Mỹ về Nga-Ukraine, ông Keith Kellogg, đã phát biểu tại một cuộc thảo luận ở Munich rằng Mỹ hy vọng "buộc" Putin phải hành động điều mà ông "không thoải mái", bao gồm cả việc phá vỡ liên minh của Nga với Iran, Triều Tiên và Trung Quốc.
Các nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ rằng Washington có thể phá vỡ mối quan hệ Nga – Trung.
Nhưng nhiều người tin tưởng rằng mối “thâm tình” giữa Bắc Kinh và Moscow là không thể phá vỡ.
Ông Yu Bin, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, cho biết: "Mối quan hệ Trung Quốc và Nga là một đẳng cấp riêng biệt, có nền tảng vững chắc và mối liên hệ chặt chẽ về mặt thể chế trong những thập kỷ qua".
Ông Yu chỉ ra nỗ lực của hai nước trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và xây dựng các tổ chức quốc tế của riêng họ như BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cũng như nhu cầu duy trì sự ổn định biên giới của riêng họ.
Thay vào đó, Trung Quốc lo ngại rằng "một khi Nga và Mỹ giải quyết được bất đồng và đạt được một mức độ hòa bình nhất định ở Ukraine, điều đó sẽ giải phóng chính quyền Trump để tập trung vào Trung Quốc", ông Yu cho biết.
Hiện tại vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có đóng vai trò gì trong các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine trong tương lai hay không. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng nếu đạt được thỏa thuận, Bắc Kinh có thể gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine thông qua Liên hợp quốc và mong muốn đóng vai trò trong công cuộc tái thiết đất nước này.
Những ngày gần đây, các quan chức Trung Quốc đã sử dụng một loạt biện pháp ngoại giao để cố gắng giành lại tình cảm đã mất với châu Âu. Bắc Kinh kêu gọi công khai tuyên bố “tất cả các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine tham gia vào tiến trình đàm phán hòa bình”, như một động thái công nhận quyền của châu Âu được ngồi vào bàn đàm phán.
Đồng thời, họ cũng tìm cách phát huy tiềm năng của mình để đảm nhận một vai trò nào đó, đồng thời ngụ ý rằng sự chuyển hướng rõ ràng của ông Trump sang ông Putin chứng tỏ lập trường của Bắc Kinh từ đầu đã đúng.
Theo CNN
Mộc An-Link gốc